Nồng độ ô nhiễm không khí cao
Ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh hiện diễn biến khá phức tạp, đặc biệt trong thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện hiện tượng mù quang hóa gây cản tầm nhìn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đang triển khai quan trắc chất lượng môi trường không khí hàng tháng tại 30 vị trí vào 2 thời điểm mỗi ngày. Theo đó, kết quả quan trắc ô nhiễm không khí 9 tháng cho thấy, ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép. Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí như Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy, quận 2) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc vượt quy chuẩn cho phép.
Theo kết quả quan trắc của Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu từ 3 nguồn chính: Hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng. Theo đó, TP Hồ Chí Minh có khoảng 1.000 nhà máy, xí nghiệp quy mô lớn và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp; đô thị đang vào giai đoạn cải tạo, chỉnh trang nên hoạt động xây dựng rất nhiều và thành phố hiện có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông vận tải đang hoạt động.
"Ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên chính xuất phát từ các hoạt động giao thông vận tải, đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng tăng cao, thời tiết diễn biến thất thường khiến khói bụi không khếch tán…. Tình trạng ô nhiễm không khí không phải mới xuất hiện tại các đô thị lớn, mà trước đó vào năm 2016, tình trạng ô nhiễm không khí cũng đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thời điểm đó, vấn đề ô nhiễm không khí chưa được người dân quan tâm nhiều", ông Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết.
Nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm
Chia sẻ thông tin về tác hại của ô nhiễm không khí từ các chất bụi mịn, CO2, SO2… đến sức khỏe con người, Tiến sĩ Trần Ngọc Đăng, Giảng viên tại khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Cụ thể, qua nghiên cứu khảo sát của các nước phát triển, nếu con người tiếp xúc lâu dài với bụi mịn, khí CO2… về lâu dài sẽ mắc các bệnh như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, hen suyễn mãn tính… Với phụ nữ mang thai, bụi mịn có thể xuyên qua nhau thai và vào cơ thể thai nhi, ảnh hưởng đến phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ nhẹ cân, sinh non và nguy cơ xảy thai ở các sản phụ….
“Đối với trẻ nhỏ từ 0-5 tuổi cần được chăm sóc, bảo vệ và có quyền hưởng bầu không khí trong sạch. Đây là độ tuổi dễ bị ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí. Cụ thể, nếu các bé tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến phát triển hệ hô hấp, hệ thần kinh, lớn lên các em sẽ không hoàn thiện các chức năng của phổi, não, hệ thần kinh… Theo đó, khi bụi mịn đi vào phổi các bé lâu ngày sẽ bám vào các thành mạch nang phổi, kìm hãm sự phát triển của phổi, lâu dài gây ra các bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính; bụi mịn khi xâm nhập vào máu sẽ đi lên não ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, gây ra các bệnh thần kinh, chậm phát triển ở trẻ em….”, Tiến sỹ Đăng cho biết.
Tiến sỹ Trần Ngọc Đăng cũng cho biết, một nghiên cứu gần đây của chuyên gia nước ngoài khi nghiên cứu khả năng lọc bụi của 16 loại khẩu trang dùng phổ biến tại Việt Nam cho thấy khả năng lọc bụi mịn trong không khí của các loại khẩu trang bằng vải đạt thấp nhất, chỉ từ 10 - 20%; khẩu trang y tế đạt 20 - 35% và khẩu trang chuyên lọc bụi mịn đạt từ 60 - 99%. Vì vậy, để ngăn chặn bụi mịn trong không khí, khi ra đường, người dân cần trang bị các loại khẩu trang đạt chuẩn có chức năng ngăn bụi mịn đạt từ 95 - 99%. Ngoài việc trang bị khẩu trang cũng cần phải đeo khẩu trang đúng cách để việc ngăn bụi mịn đạt hiệu quả tối đa. "Khi đeo khẩu trang, cần chọn khẩu trang vừa khít khuôn mặt, che hết được phần mũi, miệng… Cẩn thận hơn, người dân có thể chọn các loại khẩu trang có chế van thở một chiều… Đó là những loại khẩu trang dùng một lần, còn đối với các loại khẩu trang dùng nhiều lần thì người dân cần vệ sinh khẩu trang thường xuyên bằng việc giặt, lau chùi hai mặt…", Tiến sĩ Đăng khuyến cáo.
"Có những việc cần làm ngay để giảm ô nhiễm tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là kéo giảm lượng phương tiện giao thông để giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường, đẩy mạnh việc thu gom rác thải, hạn chế xả rác ra môi trường... Về lâu dài, cần thay đổi thói quen của người dân, sử dụng các nhiên liệu thiên nhiên cho các sinh hoạt đời thường; các nhà quản lý cần hy sinh lợi ích nhỏ như hạn chế phát triển các nhà máy, nhà xưởng tại các khu dân cư đông đúc, trong đô thị để giảm sự gia tăng ô nhiễm không khí do phát triển đô thị, công nghiệp; gia tăng các mảng xanh công cộng cho người dân bằng việc phát triển cây xanh, vận động người dân trồng nhiều cây xanh trước nhà…", bà Hoàng Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) đề xuất.