Gừng, hoa quả nhiễm thuốc trừ sâu, miến dong nhuộm hóa chất, gà thải loại, cá trê, cá quả, cá tầm nhập lậu... và nhiều loại thực phẩm bẩn khác vẫn hàng ngày, hàng giờ tràn vào các chợ, chờ lên mâm trong các bữa ăn của nhiều gia đình Việt Nam.
Đủ loại hàng lậu kém chất lượng
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trong 6 tháng qua, thành phố đã xử lý 155 vụ vi phạm về vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch; tịch thu, tiêu hủy hơn 27,5 tấn gà lông, 34 tấn gia cầm đã được giết mổ và đông lạnh cùng 16.000 gia cầm giống, trên 216.000 quả trứng gia cầm. Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) vẫn là nơi tập kết gà lậu, trong đó có rất nhiều gà thải loại.
Lực lượng quản lý thị trường Bắc Giang thu giữ toàn bộ số gia cầm nhập lậu để xử lý. Ảnh: Việt Hùng - TTXVN |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, gà thải loại làm tê liệt ngành chăn nuôi gia cầm trong nước không chỉ ở góc độ chiếm lĩnh thị trường mà còn gieo rắc dịch bệnh cho đàn gia cầm trong nước. Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, hầu hết gà thải loại đều có tồn dư hóa chất và tiềm ẩn nguy cơ mang mầm dịch bệnh vào nội địa.
Cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang tiếp tục bắt giữ nhiều vụ nhập lậu động vật, sản phẩm động vật tràn từ cửa khẩu về. Hầu hết số hàng này đã hư hỏng, biến chất. Mới nhất, ngày 5/7, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra, bắt giữ hơn 13.000 con gia cầm giống nhập lậu chưa qua kiểm dịch.
Chưa hết nỗi lo gà thải loại, người tiêu dùng lại hoang mang trước tình trạng thị trường tràn ngập cá tầm Trung Quốc nhập lậu. Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES- Công ước quốc tế về buôn bán các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp- cho biết, có thể cá tầm Trung Quốc được nuôi theo quy trình công nghiệp không bảo đảm. Đây là nguồn lây bệnh cho người tiêu dùng nguy hiểm không kém gà thải loại. Sau khi phân tích 30 mẫu cá tầm, cá quả, cá trê nhập lậu từ Trung Quốc được lấy ngẫu nhiên tại một số chợ ở Hà Nội, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã phát hiện cả 4 mẫu, trong đó có một mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm chất kháng sinh cấm Leuco Malachite và 2 mẫu cá quả nhiễm hóa chất và kháng sinh Aoz.
“Liệu ta có quá dễ dãi so với các nước trong việc nhập khẩu thực phẩm, hoa quả? Do máy móc, thiết bị kiểm nghiệm của chúng ta kém hay có vấn đề ở trình độ kiểm tra nên nhiều loại thực phẩm độc hại vẫn vào nội địa trót lọt, đe dọa sức khỏe người dân?”- đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng. |
Không chỉ có các mặt hàng thịt gia cầm, hải sản mà các loại rau, củ, quả từ Trung Quốc chưa được kiểm định vẫn ùn ùn đổ về thị trường trong nước, mang theo những ẩn họa khó lường, bí, khoai tây, gừng, tỏi... Trung Quốc cũng tràn ngập khắp các chợ bán lẻ. Điều đáng nói, khi tới các chợ này, xuất xứ Trung Quốc của hầu hết những mặt hàng trên đã biến mất. Thay vào đó, chúng được các tiểu thương giới thiệu là hàng có xuất xứ trong nước.
Khó triệt vì siêu lợi nhuận
Theo đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện tình trạng nhập lậu gia cầm không còn nóng như trước nhưng rất khó xử lý triệt để. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, sở dĩ khó dẹp vấn nạn này một cách triệt để là bởi các đối tượng buôn lậu đã sử dụng các mánh khóe ngày càng tinh vi hơn để qua mặt cơ quan chức năng. Vì siêu lợi nhuận, các đối tượng buôn lậu bất chấp cả những mối nguy dịch bệnh cho chính bản thân mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng nhập lậu thực phẩm bẩn không có dấu hiệu tạm lắng là bởi chế tài xử lý đối với những vi phạm trong lĩnh vực này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, nhận định: “Chế tài xử phạt chưa nghiêm và chưa phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan khi để lọt hàng lậu vào nội địa”. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng thực phẩm nhập lậu không đảm bảo chất lượng vẫn đang tiếp tục được tuồn vào nội địa...
Nông lâm thủy sản Việt Nam khi xuất sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… thường bị kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng; trong khi đó, nhiều mặt hàng thực phẩm, nông sản mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ một số quốc gia khác liên tục được “tuồn” vào nước ta lại được cho qua khá dễ dàng.
Mạnh Minh
Bài 2: Rau thịt bẩn len lỏi vào chợ