Thường trực nguy cơ trên đường cao tốc

Tình trạng xe khách dừng đỗ đón khách, người dân đi bộ, tự ý phá rào hộ lan mở hàng quán, chăn thả gia súc, lấn chiếm hành lang an toàn… trên các tuyến cao tốc đang gây mất an toàn giao thông (ATGT), cần sớm được các cơ quan chức năng, nhất là các địa phương xử lý dứt điểm và phạt nặng để răn đe.

Vi phạm tái diễn hàng ngày

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai khai thác toàn tuyến từ tháng 9/2014. Chưa được hai năm, mặc dù có biển cấm người đi bộ, xe gắn máy vào cao tốc, cấm phá hàng rào hộ lan… nhưng người dân tại các địa phương có cao tốc đi qua dường như không chấp hành. Theo văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Toàn tuyến cao tốc dài 245 km đang tồn tại 16 “điểm nóng” thường xuyên có đông người dân đứng đón xe khách và hơn 180 điểm người dân tự ý phá hàng rào kinh doanh, vi phạm hành lang an toàn đường cao tốc.

Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thống kê từ năm 2015 đến nay, trên cao tốc đã xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 19 người chết, 45 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do người đi bộ, lái xe máy vào cao tốc hoặc đi không đúng phần đường. Dù tai nạn thường xuyên xảy ra, nhưng cảnh chờ đón xe, đi bộ, băng ngang qua cao tốc, phá rào trồng hoa màu... trong hành lang an toàn tuyến đường vẫn tái diễn hàng ngày.

Hàng rào hộ làn bị phá dỡ trơ cọc sắt trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Còn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng ném đất đá vào phương tiện đang lưu thông, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Mặc dù đối tượng của các vụ vi phạm này đã được các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý hành chính, nhưng thực tế này cho thấy công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác giữ gìn ATGT tại các địa phương rất hạn chế, nhất là với các đối tượng thanh thiếu niên.

Trung tá Vũ Quang Thái, Trưởng phòng Tuần tra kiểm soát Giao thông đường bộ, cao tốc (Cục CSGT - Bộ Công an) nhận định: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn nêu trên là do cơ sở hạ tầng của các tuyến đường cao tốc chưa đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật, công tác kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ còn hạn chế. Bên cạnh đó là ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều người dân. Chưa kể tình trạng hệ thống biển báo không đồng bộ; tại một số vị trí đường nhánh, nút giao chưa bố trí đầy đủ thiết bị ATGT; dải phân cách chưa có phản quang… cũng tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Phạt nặng theo quy định để răn đe

Theo Nghị định 46/2016/NĐ - CP của Chính phủ, từ ngày 1/8, sẽ tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm luật giao thông trên đường cao tốc. Cụ thể, người điều khiển xe gắn máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng (so với hiện nay là 200.000 - 400.000 đồng) và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng; người đi bộ đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng (hiện là 80.000 - 100.000 đồng); không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định sẽ bị phạt từ 5 - 6 triệu đồng (hiện là 800.000 - 1,2 triệu đồng), hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc cũng sẽ bị phạt từ 5 - 6 triệu đồng (hiện là 1 - 2 triệu đồng)...

Theo ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT), hành vi điều khiển xe máy, đi bộ, dừng đỗ đón trả khách... trên cao tốc không những gây nguy hiểm cho người điều khiển xe máy, mà cho tất cả các ô tô đang lưu thông. Do đó, mức phạt như Nghị định 46/CP quy định đã được Ban soạn thảo cân nhắc rất kỹ để bảo đảm tính răn đe và khả thi khi thực hiện; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân, cũng như kéo giảm tình trạng mất ATGT.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Cả nước hiện đã có 12 tuyến cao tốc đưa vào khai thác, với tổng chiều dài 745 km. Để tăng cường đảm bảo ATGT trên hệ thống cao tốc, thời gian tới, các cơ quan chức năng ngoài hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy tắc giao thông trên đường cao tốc. Đặc biệt là vấn đề định mức, tiêu chuẩn, bảo trì, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân. Đồng thời, sẽ sớm hoàn thiện đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm trên các tuyến đường cao tốc bằng camera tự động, làm cơ sở xử phạt tại chỗ và “phạt nguội”.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), 6 tháng đầu năm 2016, trên các tuyến cao tốc đã xảy ra 54 vụ tai nạn giao thông, làm chết 21 người, bị thương 46 người. Lực lượng CSGT đã xử lý gần 18.000 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, tạm giữ gần 300 xe ô tô…



Đăng Sơn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN