Theo đó, đối tượng được tiêm vét là trẻ từ 18 đến 48 tháng tuổi nhưng chưa được tiêm DPT mũi 4. Đợt tiêm này được tổ chức tại các trạm y tế xã, phường trên địa bàn thành phố theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo kế hoạch, trong tháng 8, Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện sẽ lập danh sách cụ thể số trẻ trên địa bàn cần được tiêm vét DPT mũi 4 và trong tháng 9 sẽ hoàn tất việc tiêm cho trẻ.
TP Hồ Chí Minh tiêm vét vắcxin DPT cho 125.000 trẻ |
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Thịnh, Phó khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, qua khảo sát trong giai đoạn 2011- 2015, tỷ lệ trẻ trên địa bàn thành phố tiêm DPT mũi 4 rất thấp. Bên cạnh đó, thành phố có số người nhập cư đông, vì vậy không thể loại bỏ nguy cơ bệnh bạch hầu xuất hiện tại thành phố. Để đợt tiêm chủng đạt kết quả cao, ngành y tế sẽ phối hợp các trường mầm non, mẫu giáo để thông tin; đồng thời truyền đến các gia đình có con trong đối tượng cần được tiêm vét DPT mũi 4, để phụ huynh đăng ký tiêm cho trẻ tại trạm y tế nơi cư trú.
Trước đây, bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước nhưng sau 20 năm vắc-xin phòng bệnh được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp nhỏ lẻ do không tiêm vắc-xin phòng bệnh và thường xảy ra ở vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong tháng 7/2016, bệnh bùng phát thành dịch tại tỉnh Bình Phước, là địa phương gần với TP Hồ Chí Minh và có sự giao lưu đi lại thường xuyên, do đó các đơn vị y tế và các cơ quan truyền thông trên địa bàn thành phố cần tăng cường truyền thông các biện pháp phòng ngừa bệnh, trong đó quan trọng nhất là tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để duy trì miễn dịch cho cả cộng động.