Tại tỉnh Tiền Giang hiện tượng sạt lở bờ sông trên các tuyến đê bao và kênh rạch vùng ngập lũ, vùng ven biển Gò Công ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất và đời sống nhân dân. Nguyên nhân là do thay đổi dòng chảy, hiện tượng xâm thực của thiên nhiên và biến đổi khí hậu.Trước tình hình trên, để bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng nhân dân, phòng tránh thiên tai gây hại, trong năm 2014, Tiền Giang đầu tư 20,7 tỉ đồng hỗ trợ di dời 1.270 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở nghiêm trọng. Trước đó, trong năm 2013, tỉnh cũng đã đầu tư 4 tỉ đồng hỗ trợ 223 hộ dân di dời ra khỏi các vùng sạt lở, tạo điều kiện tốt để bà con an tâm an cư lạc nghiệp.
Đoạn bờ biển bị xâm thực và sạt lở nặng tại xã Tân Thành, Gò Công Đông. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, rút kinh nghiệm đối phó với tình hình sạt lở trên hệ thống sông ngòi, kênh rạch và tuyến đê bao nhiều năm liền, địa phương nhận thấy việc chủ động di dời nhà cửa hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ bị thiên tai là giải pháp khả thi, thuận lợi cho bà con.
Đây là giải pháp ít tốn kém nhiều chi phí nhưng mang lại lợi ích lâu dài là tạo cho người dân sống ổn định tại vị trí an toàn hơn; tạo được cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp hai bên bờ sông; tạo được thông thoáng dòng chảy, giảm bớt tình trạng cản trở lũ và cản trở giao thông.
Năm nay, cùng với triển khai kế hoạch di dời, bố trí tái định cư cho bà con đang sống trên vùng bị sạt lở và nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, Tiền Giang cũng đang khảo sát, điều tra nắm lại thực trạng sạt lở trên mạng lưới sông ngòi, kênh rạch để có biện pháp đối phó một cách thích hợp, mang lại hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sống ven đê, ven kênh rạch tích cực trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió, nuôi lục bình nhằm phòng chống sạt lở và gây bồi, bảo vệ hệ thống đê điều...
Minh Trí