Với ý nghĩa đó, đội ngũ cán bộ cơ sở - những “chiến sỹ” tiên phong ở nhiều phường, xã, thị trấn tại TP Hồ Chí Minh đã luôn, chủ động, gương mẫu đi đầu trong triển khai các giải pháp, huy động các nguồn lực để xây dựng, bảo vệ, củng cố vững chắc các “pháo đài” phòng, chống dịch COVID-19.
Chỉ huy trưởng “3 tại chỗ”
“Là người chỉ huy chống dịch, mình phải làm gương, phải 3 tại chỗ trước thì anh em khác mới theo mình để đồng lòng chống dịch”. Đó là chia sẻ của bà Ngô Thị Hiền, Chủ tịch UBND Phường 10, Quận 3, qua nhiều tháng cùng đồng đội và nhân dân chống dịch COVID-19.
Ngay sau ngày nhận nhiệm vụ (từ tháng 7/2021), bà Ngô Thị Hiền cho biết đã triệu tập cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của phường để nắm tổng thể tình hình, đồng thời kiện toàn đội ngũ chống dịch và bắt tay triển khai các biện pháp cấp bách để kiểm soát dịch trên địa bàn. “Lúc đó bắt đầu thời kỳ cao điểm của dịch COVID-19, trên địa bàn xuất hiện 54 trường hợp F0. Những ngày sau đó, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn toàn thành phố tiếp tục phức tạp, Phường 10 cũng không ngoại lệ, số F0 lũy kế đến cả ngàn ca”, bà Ngô Thị Hiền nói.
Và cùng với các giải pháp về chăm sóc y tế, an sinh xã hội cũng như củng cố lại đội ngũ phòng, chống dịch của địa phương, bà Hiền cũng đã thực hiện “3 tại chỗ” ở phường, tích cực đi cơ sở để nắm tình hình người dân, động viên các lực lượng tham gia chống dịch ở địa bàn dân cư. Thực hiện “3 tại chỗ” với “đồng đội”, bà Ngô Thị Hiền cho rằng: Một phần là mình mới về nên cần nắm chắc vấn đề, nhưng còn một lẽ “mình là người chỉ huy chống dịch, mình phải làm gương, phải "3 tại chỗ” trước thì anh em khác mới theo mình, đồng lòng chống dịch”.
Chia sẻ về những kết quả kiểm soát dịch trên địa bàn, bà Ngô Thị Hiền bày tỏ: “Nhờ sát dân, nhờ cách tuyên truyền đơn giản mà hiệu quả nên đến nay “vùng xanh” trên địa bàn đã chiếm phần lớn. Chúng tôi đang nỗ lực tiến tới xanh hóa địa bàn phường, đưa cuộc sống của bà con trở lại trạng thái bình thường mới”.
Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, khối lượng công việc quá nhiều, Bí thư Đảng ủy Phường 6 (quận Tân Bình) Nguyễn Thành Danh đã dọn đồ đạc vào cơ quan để ở cùng nhiều cán bộ khác thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Theo ông Nguyễn Thành Danh, để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành công tác trong thời gian TP Hồ Chí Minh triển khai tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, anh em cán bộ phường thường xuyên có những cuộc họp kéo dài đến nửa đêm, nhiều khi đến 1-2 giờ sáng để họp bàn, phân công, sắp xếp công việc cho ngày mới.
Theo chia sẻ của nhiều cán bộ Phường 6, ngoài giải quyết công việc thường xuyên với chức trách là người đứng đầu cấp ủy ở địa phương, ông Danh còn kiêm nhiệm luôn vai trò bốc xếp hàng hóa, đi mua thực phẩm cho dân, tham gia việc phân chia rau củ cho bà con, hỗ trợ công tác tiêm chủng, vận động người dân tiêm vaccine… Bất kể công việc gì, miễn người dân cần và giúp ích được cho người dân, thì ngày hay đêm, ông Nguyễn Thành Danh đều tham gia hỗ trợ hết mình.
“Trong hai ngày 23 - 24/8, khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, trong khi các địa phương khác đều quá tải vì đơn hàng "đi chợ hộ", nhưng do chúng tôi đã chuẩn bị khá kỹ việc này nên địa phương làm khá tốt, các đơn hàng đều được giao đầy đủ và nhanh nhất”, ông Danh cho biết.
Với Tổ hậu cần có rất nhiều thành viên không thường trực là những người lãnh đạo địa phương, tổ chức đoàn thể... hàng ngàn đơn “đi chợ hộ” ở Phường 6 đều được giao đến tận tay người dân một cách nhanh chóng. “Trung bình mỗi ngày, Tổ hậu cần của Phường 6 hoàn thành được gần 1.000 đơn hàng “đi chợ hộ” cho người dân. Cũng vì tốc độ giao hàng của lực lượng “đi chợ hộ” khá nhanh, nên người dân đều rất vui, không có tình trạng người dân đặt hàng nhưng không nhận bởi người dân rất đồng tình và cảm thông với công việc của cán bộ cơ sở”, ông Nguyễn Thành Danh chia sẻ thêm.
Trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh, 312 phường, xã, thị trấn là 312 mặt trận thu nhỏ, trở thành “pháo đài” phòng, chống dịch COVID-19. Ở đó, đội ngũ cán bộ cơ sở căng mình trực chiến bất kể mưa nắng, ngày đêm nhằm duy trì và bảo vệ “vùng xanh”, siết chặt “vùng đỏ” và giám sát, hỗ trợ từng nhà dân trong thời gian giãn cách xã hội. Trong đó, với vai trò là chỉ huy trưởng các pháo đài, rất nhiều lãnh đạo ở cơ sở này đã tiên phong chọn phương án “3 tại chỗ” để chủ động, kịp thời xử lý các công việc phát sinh mỗi ngày trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.
Trung tâm đoàn kết, tập hợp các nguồn lực
Để có thể tạo dựng được các “pháo đài” vững chắc, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp, cách làm sáng tạo, xây dựng các “pháo đài” trở thành trung tâm của sự đoàn kết, tập hợp các nguồn lực để bảo vệ, củng cố vững chắc từng vùng an toàn, “vùng xanh”, từ đó tạo dựng các thế trận vững chắc trong phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức, cho biết: Để thiết lập “pháo đài” phòng, chống dịch, phường đã thành lập Trung tâm Chỉ huy do Chủ tịch UBND phường làm Trưởng chỉ huy, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, xét nghiệm thần tốc để tìm kiếm F0, đưa vào theo dõi điều trị tại các điểm thu dung. Ngoài ra, để người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, kịp thời nhất, phường đã thành lập 2 Đội phản ứng nhanh và 1 Trạm y tế lưu động để tiếp nhận, xử lý ban đầu cho người dân mắc COVID-19 cũng như các bệnh nền khác. Nhờ đó, trên địa bàn phường chưa có ca tử vong trong cộng đồng, an ninh trật tự được giữ vững.
Đối với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, ông Phạm Văn Hùng cho biết: Phường Tam Phú đã thực hiện đầy đủ Nghị quyết 09/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố và các quyết định của UBND Thành phố, đã thực hiện xong gói hỗ trợ đợt 1, đợt 2, đang thực hiện đợt 3. Ngoài ra, phường còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm như gạo, rau củ quả… để chăm lo cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn phường Tam Phú đã xây dựng được 26 tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng với hơn 200 người. Ngoài ra, còn có Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường do Bí thư Đảng ủy phường làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND phường làm Phó ban. Phường cũng triển khai 2 trung tâm đặc biệt, đi chợ thay cho người dân; vận động thêm lực lượng đoàn viên, thanh niên, cán bộ y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Thông tin về chiến lược xây dựng “pháo đài” chống dịch trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức cho hay: Trên địa bàn phường có 102 tổ dân phố, ở mỗi tổ dân phố đều thành lập Tổ phòng, chống COVID cộng đồng. Hiện nay, cán bộ, công chức của phường có 30 người và tất cả đều được cử xuống làm Tổ phó, thành viên Tổ công tác đặc biệt ở mỗi khu phố, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt sẽ là Tổ trưởng tổ dân phố. Ngoài ra, thành viên Tổ công tác đặc biệt còn có cán bộ phường, Công an khu vực, mặt trận, đoàn viên thanh niên...
“Phường rải lực lượng xuống và giao nhiệm vụ cho Tổ phòng, chống COVID cộng đồng, thực hiện luôn công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an ninh, chăm lo đời sống nhân dân, xử phạt các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch. Việc thành lập bộ máy nhỏ ở dưới để làm nhiệm vụ, san sẻ nhiệm vụ cho phường, qua đó đảm bảo công tác phòng, chống dịch, thực hiện an sinh xã hội kịp thời và hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh chia sẻ thêm.
Cùng với đó, phường Hiệp Bình Chánh quan tâm đến thiết lập, duy trì và bảo vệ “vùng xanh”, xem đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm phát huy tính tự giác, tính cộng đồng của người dân. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng: Với tình hình dịch bệnh lan rộng, nếu chỉ dựa vào cán bộ, công chức của phường, lực lượng y tế, công an, quân đội thì không đủ để trải rộng ở nhiều khu vực trên địa bàn. Hơn nữa việc chống dịch phải được xem là nghĩa vụ của người dân cùng thực hiện với chính quyền.
Trong khi đó, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Phường 19, quận Bình Thạnh, đã kêu gọi, vận động cán bộ, lực lượng y tế nghỉ hưu đang sinh sống trên địa bàn phường tham gia vào công tác phòng, chống dịch COVID-19. Lực lượng tình nguyện trên địa bàn phường với hơn 100 người, chủ yếu làm nhiệm vụ giải thích, tuyên truyền cho người dân tại các chốt trạm, tiếp tế lương thực cho các hộ dân bị phong tỏa, đảm bảo không bị thiếu đói, tư vấn y tế qua điện thoại.
Ông Lê Phi Hùng, Bí thư Đảng ủy Phường 19, quận Bình Thạnh, cho biết, qua đó đã hỗ trợ và giảm áp lực rất lớn cho cán cộ, công chức của phường. Phường đã vận động người dân ngay tại địa bàn “vùng xanh” thực hiện trực chốt để đảm bảo kiểm soát dịch hiệu quả ngay tại cơ sở khu dân cư, các tuyến hẻm.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đảng ủy Phường 12, Quận 3, ngay từ khi dịch bùng phát, phường đã tập trung mọi nguồn lực để tổ chức các hoạt động chăm lo, đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân địa phương. Song song đó, phường vận động nhiều cô, chú đã nghỉ hưu cùng với lực lượng thanh niên, đảng viên đang sinh hoạt tại địa phương tham gia cùng chính quyền hỗ trợ người dân khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội. “Chúng tôi xác định việc đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân; sự nỗ lực của từng tập thể, cá nhân là trọng tâm và cũng là động lực cùng vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền nhấn mạnh.
Đánh giá chung về kết quả thực hiện chiến lược “pháo đài” cơ sở, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Các xã, phường, thị trấn đã chủ động xây dựng kế hoạch, rà soát, tăng cường nhân sự, bám sát địa bàn dân cư, triển khai quyết liệt các biện pháp chuyển hóa địa bàn, kiểm soát “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp một số địa bàn “vùng đỏ”, “vùng cam”.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, nhiều phường, xã đã có sự chủ động, vào cuộc tích cực. “Qua thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, đã nâng cao vai trò của các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn là người chỉ huy trưởng các pháo đài, tạo niềm tin về việc vận hành hiệu quả, có cơ chế chỉ huy rõ ràng, cụ thể. Nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo có những cách làm mới, mô hình hay, hiệu quả”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khẳng định.
Bài 3: Cầu nối chính quyền với người dân