Năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vượt kế hoạch chỉ tiêu tuyển sinh. Trong năm 2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) xác định những giải pháp nào nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thưa ông?
Năm 2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu trình Bộ LĐTBXH kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm. Trước tiên, ngành GDNN tiếp tục triển khai công tác giao quyền tự chủ cho các trường một cách đồng bộ hơn.
Nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là xây dựng chuẩn hóa về chất lượng về giáo viên, chuẩn đầu ra, về cơ sở vật chất; định mức chi phí kỹ thuật… để từ đó các trường có cơ sở áp dụng nâng cao chất lượng đào tạo.
Cuối cùng là đẩy mạnh đào tạo gắn với doanh nghiệp. Năm 2018, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã làm tốt công tác này. Tổng cục đã Ký kết với VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ và gắn kết với tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Đây là mô hình để các trường ký kết hợp đồng đào tạo gắn với doanh nghiệp tại địa phương. Năm 2019, Tổng cục GDNN chỉ đạo các trường có kế hoạch cụ thể gắn với doanh nghiệp để giải quyết việc làm tốt nhất. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp chủ động tham gia đào tạo nghề.
Đối với việc tự chủ của các trường, trong năm 2019 và các năm tới sẽ triển khai như thế nào, thưa ông?
Bộ LĐTBXH trình Chính phủ Nghị định về giao quyền tự chủ cho giáo dục nghề nghiệp, trong đó có một số điểm mới để triển khai. Đó là tự chủ về công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Trước kia, các trường chưa được tự chủ hoàn toàn về công tác chuyên môn nghiệp vụ thì nay sẽ xác định đối với trường tự chủ ở nhóm 1 và nhóm 2 được tự quyết định, tự báo cáo ngành nghề đào tạo, xác định chỉ tiêu đào tạo. Các trường chỉ báo cáo với Tổng cục GDNN để được phép hoạt động. Tổng cục sẽ tiến hành hậu kiểm. Nếu các trường không đảm bảo điều kiện sẽ bị dừng tuyển sinh.
Đây là việc giao nhiều quyền cho trường ở nhóm 1 và nhóm 2, nhưng các trường có trách nhiệm cao để thực hiện đúng quy định của Chính phủ, của ngành. Dù được giao tự chủ lớn, thoáng hơn nhưng trách nhiệm cũng cao hơn.
Tiếp đó là tự chủ bộ máy nhân sự. Hiệu trưởng trình Hội đồng nhà trường xác định vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức bộ máy để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cũng như công tác tuyển dụng cán bộ công nhân viên. Trước kia, Bộ duyệt từng biên chế nhưng với cơ chế tự chủ với trường nhóm 1 và nhóm 2 thì nhà trường được chủ động quyết định.
Nhà trường cũng được tự chủ tài chính. Trường xác định nguồn thu, trong đó có nguồn thu từ đặt hàng, giao nhiệm vụ từ ngân sách Nhà nước. Nguồn thu sẽ có từ nhiều nguồn, ngân sách nhà nước, từ học phí, từ liên kết với doanh nghiệp và các hoạt động dịch vụ khác.
Về vấn đề này, nhà trường phải xác định nguồn thu sẽ chuyển từ nhiệm vụ thường xuyên sang nhiệm vụ đặt hàng. Điều này cũng có nghĩa là Nhà nước không cắt kinh phí mà chuyển hình thức chi thường xuyên, cấp phát sang đặt hàng từ nhiệm vụ Bộ, ngành, địa phương giao cho trường .
Trong lĩnh vực tài chính, khi tự chủ, nhà trường được tự lập kế hoạch và chi tiêu. Năm 2019, Tổng cục GDNN trình Bộ và Chính phủ về cơ chế tự chủ để thực hiện theo lộ trình.
Với những cơ chế mới, công tuyển tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong năm 2019 sẽ như thế nào, thưa ông?
Trong công tác tuyển sinh, Tổng cục GDNN xây dựng kế hoạch, mục tiêu và đưa ra giải pháp tốt về công tác tuyển sinh. Vì vậy năm 2018, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực và vượt kế hoạch được giao.
Năm 2019, Tổng cục GDNN xây dựng kế hoạch chi tiết hơn và tập trung một số giải pháp để công tác tuyển sinh tốt hơn nữa. Ví dụ như tổ chức hội nghị tư vấn tuyển sinh, tổ chức công tác truyền thông. Đối với công tác truyền thông trước kia tập trung vào một số trường, doanh nghiệp, một số thị trường lao động và chưa đi sâu tuyên truyền các trường phổ thông trung học và trung học cơ sở. Nhưng năm 2019, Tổng cục GDNN sẽ tập trung vào khối trường phổ thông trung học, trung học cơ sở để từ đó tạo ra nhận thức xã hội tốt hơn nữa.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông trước kia dừng đến cấp tỉnh nhưng năm nay, các trường nghề sẽ mở rộng tuyên truyền đến cấp huyện, xã; trong đó đưa thông tin trực tiếp đến các xã để dễ tiếp cận với phụ huynh học sinh.
Đề án sáp nhập cơ sở nghề nghiệp đang được nhiều trường, địa phương quan tâm. Vậy trong thời gian tới, đề án này sẽ triển khai như thế nào thưa ông?
Năm 2017-2018, Bộ LĐTBXH đã gửi công văn tới các bộ ngành, địa phương rà soát lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc do ngành, địa phương quản lý để cơ cấu lại hệ thống GDNN hướng tới đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của ngành, địa phương. Một số địa phương đã sát nhập một số trường trung cấp, cao đẳng vào với nhau nhưng mới chỉ là bước đầu.
Các địa phương khi triển khai sát nhập cơ sở GDNN mới mang tính cơ học, hành chính chứ chưa theo nhu cầu thị trường lao động, của vùng, của ngành, địa phương và chưa đánh giá lại công tác sau sáp nhập. Do đó, cuối năm 2018, thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương và Nghị quyết 08 của Chính phủ về việc giảm đơn vị sự nghiệp công lập, Tổng cục GDNN đã có công văn gửi các bộ, ngành và địa phương rà soát lại mạng lưới, đề án sắp xếp lại cơ sở GDNN và gửi về Bộ LĐTBXH tổng hợp xây dựng đề án quy hoạch chung trình Chính phủ. Khi được Chính phủ phê duyệt, các địa phương, bộ ngành bố trí lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động theo lộ trình mà Trung ương và Chính phủ đặt ra giai đoạn năm 2016-2020 là giảm 2,5%/năm đầu mối cơ sở GDNN (tức là giảm 10% cả giai đoạn) và 2021-2025 tiếp tục giảm 10%.
Đến năm 2030, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp sẽ được đồng bộ. Mỗi tỉnh, thành phố sẽ có 1 trường cao đẳng công lập được Nhà nước và tỉnh, thành tập trung đầu tư để trở thành trường chất lượng, có vai trò dẫn dắt đào tạo nhân lực cho thị trường lao động địa phương.
Hiện Bộ LĐTBXH lựa chọn 90 trường để tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao, trong đó có trường của địa phương, Trung ương, bộ ngành tập trung để đầu tư giai đoạn từ nay đến 2030.
Việc liên kết với các doanh nghiệp có vai trò quyết định tới nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, để việc liên kết với doanh nghiệp không là hình thức, Tổng cục GDNN sẽ có giải pháp cụ thể nào?
Việc gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp lần đầu tiên được đưa thành một chương trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và xác định rõ về quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia. Chính phủ có Nghị định 48/2015 quy định chi tiết hơn về quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia nhưng chưa có chế tài đủ mạnh.
Do đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tham mưu để Bộ trình Chính phủ có Nghị định riêng về công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp và có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp và có tính bắt buộc hơn, có trách nhiệm hơn của doanh nghiệp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Xin cảm ơn ông!