Các địa phương tổ chức kiểm tra công tác ứng phó rét đậm, rét hại tại các khu vực trọng điểm vùng cao, đảm bảo an toàn cho người, cảnh báo người dân không sưởi bằng lò đốt than trong nhà kín; căn cứ thời tiết cụ thể chủ động cho học sinh nghỉ học; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại từng thôn bản, hộ gia đình tập trung gia súc về chuồng, có biện pháp đảm bảo an toàn chống rét như: bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, thức ăn tinh, làm khô ráo nền chuồng… Đặc biệt, người dân có thể tham khảo biện pháp chống rét cho gia súc, gia cầm tại trang thông tin điện tử: phongchongthientai.mard.gov.vn.
Riêng đối với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị tỉnh, thành lập các đoàn công tác với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn về cơ sở để đánh giá hiện trạng, nguyên nhân; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng; chủ động bố trí ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, chú trọng gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo. Ngoài ra, báo cáo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế), tổng số gia súc chết do mưa rét từ đầu mùa rét đến nay là hơn 900 con.
Các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo cho các phương tiện tàu, thuyền biết để chủ động phòng tránh, triển khai các biện pháp ứng phó, tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển; sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.