Tiếp tục triển khai hơn xây dựng hơn 450.000 căn nhà ở xã hội

Đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2. Hiện đang tiếp tục triển khai 401 dự án với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn có tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2.

Chú thích ảnh
Dự án chung cư nhà ở xã hội D7 - D10 (phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Hội nghị Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì được tổ chức ngày 1/8 bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành chức năng, đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Muốn phát triển công nghiệp cần nhiều yếu tố; trong đó có yếu tố con người - Thủ tướng nhấn mạnh. Nghiên cứu thực tiễn các nước cho thấy đa số các nước đều có chính sách nhà ở xã hội, như cho mua và thuê mua nhà ở xã hội. Người công nhân khi vừa bắt đầu làm việc thì không thể mua ngay được nhà ở, nên phải có các chính sách như thuê mua, trả góp…

Thủ tướng khẳng định, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2014, theo đó, pháp luật về nhà ở hiện hành đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội; trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động.

Thực tế thời gian qua cho thấy, các chính sách về nhà ở xã hội đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách đã được cải thiện nhà ở; tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Giai đoạn tới, mục tiêu đề ra đến năm 2025 là hoàn thành các dự án đã triển khai đầu tư xây dựng (156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ) và các dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư (245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ); tiếp tục khởi công các dự án mới. Đến năm 2030, hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2. Hiện đang tiếp tục triển khai 401 dự án với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn có tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2.

Trong số đó, đã có 175 dự án nhà ở xã hội hoàn thành việc đầu tư xây dựng với quy mô khoảng 93.090 căn hộ, có tổng diện tích khoảng 4.654.480 m2. Toàn quốc đang tiếp tục triển khai 274 dự án, quy mô xây dựng 293.460 căn hộ với tổng diện tích khoảng 14.673.000 m2.

Đối với nhà ở công nhân cũng có 126 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô xây 62.700 căn hộ, có tổng diện tích 3.135.000 m2; đang tiếp tục triển khai 127 dự án (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) với quy mô 160.900 căn hộ, có tổng diện tích 8.045.000 m2.

Tính đến ngày 5/7/2022, có 41/63 địa phương báo cáo việc giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; trong đó báo cáo số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai là 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn là 34.552 tỷ đồng.

Trên cơ sở rà soát các điều kiện đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, ngày 6/7/2022, Bộ Xây dựng đã công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay (giai đoạn 1) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và gửi Ngân hàng Nhà nước về 4 dự án với tổng mức đầu tư 4.665 tỷ đồng, tổng mức vay dự kiến 1.751 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.

Bộ Xây dựng dẫn chứng, mặc dù Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng vẫn còn một số tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và những luật khác liên quan.

Theo Bộ Xây dựng, hiện trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại. Cụ thể, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; người muốn mua, thuê mua nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện…

Cùng đó, việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.

Đó là chưa kể các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, thiếu thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

Đáng chú ý, quy định dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng thì trên thực tế nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này. Điều đó dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, làm giảm thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở hiện hành cũng chưa có quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu của những đơn vị này rất lớn nhằm phục vụ cho người lao động của họ thuê lại để ở.

Theo quy định của pháp luật về nhà ở, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất trong phạm vi dự án (bao gồm cả phần kinh doanh nhà ở thương mại), tuy nhiên theo pháp luật về đất đai (khoản 3 Điều 8 Thông tư số 10/2018/TT-BTC) thì yêu cầu chủ đầu tư khi bán nhà (cùng với chuyển nhượng quyền sử dụng đất) cho khách hàng thì phải nộp lại số tiền sử dụng đất được miễn, trong khi chủ đầu tư đã dùng lợi nhuận của phần kinh doanh thương mại (trong cơ cấu giá bán đã tính tiền sử dụng đất) để bù đắp, giảm giá thành cho nhà ở xã hội dự án. Đây cũng là một bất cập cần tháo gỡ.

Trong quá trình thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, ngân sách trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đơn cử như nguồn vốn bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, chỉ khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí - Bộ Xây dựng nêu vấn đề.

Ngay như các địa phương, nhiều nơi cũng chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội. Hiện nhiều địa phương chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Nhiều nơi chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án nhà ở xã hội.

Một số địa phương chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương; chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định.

Cải cách thủ tục hành chính cũng chưa thực sự quyết liệt nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… còn kéo dài.

Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.

Hàng loạt khó khăn, bất cập đang trở thành rào cản đối với việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đô thị, nhất là để đạt mục tiêu loại hình nhà ở này có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thu Hằng (TTXVN)
Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp
Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp

Sáng 1/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Hội nghị được kết hợp trực tiếp và trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ và UBND 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN