Tai biến y tế nghiêm trọng xuất hiện ngày một nhiều, mức độ ngày một trầm trọng hơn. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp để hạn chế những sự cố y tế đáng tiếc?
Báo Tin Tức xin đăng tải ý kiến của một số người dân, chuyên gia và nhà quản lý xung quanh vấn đề này.
Nỗi lo y đức và lỗ hổng quản lý
Theo kiến giải của chính những “người trong cuộc”, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tai biến y tế nghiêm trọng thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm là y đức, “lỗ hổng” trong quản lý của Bộ Y tế và cả chính quyền địa phương.
Lơ là giáo dục y đức
“Những y, bác sĩ (BS) gây nên sự cố y tế nghiêm trọng thời gian qua không thể đại diện cán bộ ngành y, họ chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng tính nhân văn trong ngành y tế có xu hướng ngày một thụt lùi, y đức của một bộ phận thầy thuốc ngày càng bị “vẩn đục”, một giáo sư đầu ngành chia sẻ.
Điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe nữ thương binh Phạm Thị Minh Thao, 82 tuổi, bị cụt cả hai tay.Anh Tuấn - TTXVN |
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng khẳng định: “Hiện nay, chúng ta ít quan tâm đến việc giáo dục về y đức cho sinh viên, cán bộ y tế. Nên hiểu, giáo dục y đức không phải là những cái gì to tát mà là những điều rất đơn giản như cách ứng xử, thực hiện đúng trách nhiệm với bệnh nhân...”.
Người bác BS cần quan tâm, chăm sóc bệnh nhân từ khi mới vào viện cho tới lúc họ chẳng may qua đời. Lúc đó, chỉ bằng động tác đơn giản như vuốt lại áo cho bệnh nhân, vuốt mắt, để tay, chân cho ngay ngắn và bày tỏ lời chia buồn với gia đình người đã quá cố… cũng thể hiện được sự quan tâm và tính nhân văn cao cả của người cán bộ y tế. Nhưng thật đáng tiếc, giờ chẳng còn mấy người thầy thuốc quan tâm, thể hiện những việc làm tương tự như thế hệ BS trước đây vẫn từng làm.
Đấy là chưa nói đến chuyện tác phong của người thầy thuốc hiện giờ cũng không được các nhà quản lý chú tâm uốn nắn, từ cách ăn mặc, để mái tóc, bộ râu, đặc biệt thực hiện quy định cấm uống rượu. Một số BS tiếp xúc với bệnh nhân lúc 14 - 15 giờ chiều mà mặt mũi vẫn đỏ gay, phả cả hơi rượu nồng nặc vào người bệnh hoặc thân nhân họ. Một số cán bộ y tế khác lại coi thường rèn giũa tác phong khi trực, vô tư túm năm tụm ba ngồi ăn hoa quả, thậm chí uống bia, đánh bài…
“Để nâng cao y đức, cần giải quyết tổng thể nhiều vấn đề, từ giáo dục, đào tạo, cho đến đảm bảo đời sống cho người thầy thuốc, cơ chế hoạt động…”, GS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đặc biệt, thời gian tới, ngành y cần có cơ chế giám sát chặt vấn đề tự chủ trong bệnh viện (BV). Cho phép tự chủ trong quản lý BV là cần thiết; nhưng nếu người thầy thuốc phải liên quan trực tiếp đến việc thu tiền, thậm chí để họ hiểu rằng có thu nhiều thì phúc lợi mới nhiều và lương mới được tăng thì khác nào đẩy người thầy thuốc vào việc tự mưu sinh, tự tìm cách nâng thu nhập qua hoạt động khám chữa bệnh.
Đẹp khoe, xấu che
BS Nguyễn Thị Tăng, cán bộ Hội Đông y, tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Nhìn từ vụ việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường mới đây nhất cho thấy ngoài vấn đề về y đức của BS, còn thể hiện sự quản lý lỏng lẻo của ngành y tế và chính quyền địa phương”.
“Rõ ràng BV thiếu cơ chế để giám sát nên không hề biết cán bộ của mình hành nghề tư nhân trái phép, trái phạm vi chuyên môn. Cũng do các nhà quản lý y tế trên địa bàn thiếu chỉ đạo trong việc kiểm tra, giám sát nên mới để xảy ra tình trạng một thẩm mỹ viện chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động ngang nhiên, thậm chí còn đăng phát các tờ rơi, quảng cáo rầm rộ”, BS Tăng chia sẻ.
ThS Nguyễn Xuân Vinh, điều dưỡng trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV Việt Đức cho rằng: Tâm lý “đẹp khoe, xấu che” đang ảnh hưởng đến việc phát hiện sai sót và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế trong hệ thống y tế.
“Chúng ta đang thiếu sự giám sát chuyên nghiệp nhằm khắc phục sai sót trong quá trình thực hiện các quy trình, quy định mà ngành y đã bỏ công xây dựng”, ThS Vinh khẳng định.
Lâu nay, ngành y tế vẫn tiến hành kiểm tra đánh giá chất lượng BV hàng năm, nhưng cách đánh giá này còn mang tính hình thức. Việc kiểm tra chấm điểm trong hơn 1 ngày không thể đánh giá đúng thực tế công tác khám chữa bệnh trong 364 ngày còn lại. Những cơ sở y tế để xảy ra sai sót nghiêm trọng, thậm chí có tính chất hệ thống (như vụ nhân bản xét nghiệm tại BV Hoài Đức diễn ra gần 1 năm) chẳng hề bị phát hiện, chấm điểm thấp hay bị đánh tụt hạng.
Ngoài ra, theo ThS Vinh, các nhà quản lý và cả xã hội cũng cần thay đổi quan điểm và cách “ứng xử” khi phát hiện sai sót y tế. Hiện nay, cán bộ y tế luôn phải đối diện với nguy cơ xảy ra sai sót, cùng rất nhiều sức ép từ dư luận xã hội, từ các nhà quản lý (khiển trách, đuổi việc...). Đặc biệt, việc người nhà bệnh nhân xúc phạm, hành hung BS, đập phá cơ sở y tế nhưng không được pháp luật xử lý nghiêm... càng khiến cán bộ y tế khó trung thực khai báo những sai sót (nếu có).
“Điều quan trọng trong xử lý sai sót y khoa là lấy sai sót của một người trở thành bài học rút kinh nghiệm cho nhiều người, thậm chí cho toàn hệ thống, chứ không phải chăm chăm tìm nguyên nhân để khiển trách cán bộ y tế. Và khi đó, phải có cả cơ chế xử phạt đối với người quản lý chứ không phải là “thí tốt” nhân viên thực hiện. Có như vậy thì mới hạn chế được sai sót y tế”, ThS Vinh nhấn mạnh.
Phương Liên - Lê Xuân