Hàng trăm chuyên gia đến từ 11 quốc gia đã chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo quốc tế “Mất cân bằng giới tính khi sinh: Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai”, do Bộ Y tế Việt Nam phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức ngày 5-6/10. Nhiều kinh nghiệm hay từ các quốc gia có thể là những gợi ý để Việt Nam tự đưa ra liệu pháp chữa “căn bệnh” này.
Tham khảo “đơn thuốc ngoại”
Bằng cách tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác, Việt Nam đang tìm cánh để cải thiện tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai sinh ra/100 trẻ gái) hiện là 111,6 về mức bình thường (104-106).
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn. |
Trung Quốc – quốc gia nhiều năm nay phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính, tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) luôn ở mức cao - đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa tỷ số GTKS về mức bình thường. Quốc gia này đã thi hành những biện pháp rất quyết liệt như: Tuyên truyền giáo dục đến mọi người dân về những hệ lụy của mất cân bằng GTKS; ban hành những chính sách ưu tiên cho nữ giới (miễn học phí cho trẻ em gái, có chế độ hỗ trợ cho những cặp vợ chồng về già mà chỉ có con gái, tăng tiêu chuẩn nhà cho những gia đình chỉ có con gái, chuyển đổi ngành nghề ở các địa phương để phụ nữ có thể tham gia làm kinh tế tốt,…).
"Trung Quốc xử lý rất nghiêm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi (phạt tiền, tịch thu trang thiết bị, cấm hành nghề nếu siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi; muốn phá thai phải có xác nhận của cơ quan y tế vì lý do sức khỏe của mẹ hay của thai nhi hoặc phải có xác nhận của cơ quan dân số vì lý do kế hoạch hóa gia đình…", một đại biểu Trung Quốc tại hội thảo cho biết.
Còn “bí quyết” của Hàn Quốc, một quốc gia được đánh giá là thành công nhất trong việc đối phó với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chính là những nỗ lực nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái trong xã hội.
“Vấn đề nâng cao vị thế, giao quyền cho nữ giới giữ vai trò trung tâm của mọi chính sách đối phó với tình trạng mất cân bằng GTKS tại Hàn Quốc từ những năm 1990. Hiện nay, Hàn Quốc gần như đã chuyển hẳn sang văn hóa “trọng nữ” thay cho chế độ gia trưởng và một nền văn hóa “trọng nam” có gốc rễ từ xa xưa”, bà Heeran Chun, đại diện của Hàn Quốc, khẳng định.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế: Tình trạng mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam cao ngay ở lần sinh thứ nhất (110,2), trong khi các nước khác chỉ cao ở những lần sinh tiếp theo. Các chuyên gia dự báo, nếu không có giải pháp quyết liệt trong khoảng 15 - 20 năm nữa, sẽ có khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam giới Việt Nam không có khả năng lấy được vợ là người Việt Nam. Hệ lụy là cấu trúc gia đình bị phá vỡ, gia tăng tình trạng bạo lực giới và tình trạng mãi dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em gái… |
Những năm 1990, tỷ số GTKS ở Hàn Quốc ở mức 116, nhưng hiện nay tỷ số này đã đưa về mức bình thường, chỉ còn 106,9. Để đạt được kết quả ấn tượng này, Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp mạnh trong việc xử lý các hành vi chống phân biệt giới và nạo phá thai theo giới tính. Tăng cường truyền thông, vận động xã hội, áp dụng chính sách khuyến sinh…
Theo bà Heeran Chun, để ngăn chặn tình trạng siêu âm, nạo phá thai nhằm mục đích lựa chọn giới tính thai nhi, trong Luật hành nghề y tế của Hàn Quốc từng có những quy định rất chặt chẽ, xử phạt rất nặng tới 14.000 USD, sau tăng lên 20.000 USD, thậm chí các bác sĩ có hành vi vi phạm luật còn bị ngồi tù 1 năm. Cách đây 2 năm, khi tỷ số GTKS tại Hàn Quốc đã quay trở về mức bình thường, việc lựa chọn GTKS không còn là nhu cầu lớn trong xã hội, thì Luật hành nghề y tế của Hàn Quốc mới sửa đổi, cho phép công bố giới tính khi thai nhi ở tuần 36 (tức tháng thứ 8)…
“Việt Nam cần tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi toàn diện hơn. Quan tâm hơn tới việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, cải thiện vị thế và đảm bảo các quyền của trẻ em gái. Cần tăng cường chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi, giúp họ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào con trai để nương nhờ lúc tuổi già…”, ông Eamonn Murphy, Quyền điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, khuyến cáo.