Vươn lên từ ”vùng trũng”
Vào thời điểm trước khi triển khai Đề án (2012), chi nhánh tỉnh Hậu Giang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ 957,9 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng rất yếu kém như: nợ quá hạn 79,4 tỷ đồng, tỷ lệ 8,29% trên tổng dư nợ, cao gấp 4,23 lần so với bình quân toàn quốc (1,96%), gấp 1,97 lần so với bình quân các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ (4,2%); chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) còn thấp, toàn chi nhánh có 970 tổ xếp loại trung bình (tỷ lệ 44%) và 201 tổ xếp loại yếu (tỷ lệ 9%).
Buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội xã Hòa Lựu, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang |
Ngay sau khi Đề án được Tổng Giám đốc NHCSXH phê duyệt, Chi nhánh đã tham mưu cho UBND, Ban đại diện HĐQT ở tỉnh Hậu Giang triển khai đồng bộ các giải pháp. Chi nhánh thành lập Ban chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên Ban chỉ đạo. Các thành viên thường xuyên theo dõi, trực tiếp kiểm tra, giám sát để chỉ đạo, uốn nắn kịp thời và hỗ trợ từng đơn vị cấp huyện trong quá trình thực hiện Đề án. Cán bộ chủ chốt và cán bộ nghiệp vụ toàn chi nhánh được tập huấn quy trình phân tích, đánh giá nợ xấu, nợ lãi tồn đọng và chia tách, sáp nhập tổ viên Tổ TK&VV.
Tại các xã có chất lượng tín dụng thấp đều thành lập Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi do Chủ tịch UBND cấp xã làm Tổ trưởng. Tổ đôn đốc thu hồi nợ xây dựng chương trình và kế hoạch xử lý, đôn đốc thu hồi đối với từng người vay. UBND cấp xã giao rõ trách nhiệm cho Trưởng ấp (khu vực) trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách từ khâu nhận chỉ tiêu phân vốn đến tổ chức giám sát bình xét cho vay tại tổ, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của người vay, giám sát hoạt động của tổ, giám sát việc thực hiện ủy thác của các hội đoàn thể trên địa bàn và tham gia đôn đốc, xử lý thu hồi nợ của hộ vay. Công tác thi đua, khen thưởng của các cấp Hội được gắn với chỉ tiêu chất lượng tín dụng nhận ủy thác.
Hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phải có phương án sử dụng vốn vay rõ ràng, có khả năng quản lý vốn, được bình xét công khai tại cuộc họp tổ, có sự tham gia giám sát của Hội đoàn thể cấp xã và Trưởng ấp. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày giải ngân được Hội đoàn thể cấp xã kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích. Bên cạnh đó, hộ vay vốn thường xuyên được Hội đoàn thể phối hợp với chính quyền địa phương tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho Ban quản lý Tổ TK&VV, hộ vay vốn nắm bắt được tiến bộ khoa học, kỹ thuật, những mô hình làm ăn có hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Hái mùa quả ngọt
Với nỗ lực và tâm huyết trong nhiệm vụ đưa vốn ưu đãi đến với đối tượng chính sách, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã đạt được những kết quả tiến bộ vượt bậc. Tính đến ngày 31/3/2017, nợ quá hạn là 9.087 triệu đồng, giảm 70.356 triệu đồng (giảm 88,6%), chiếm 0,47%/tổng dư nợ, giảm 7,82% so với thời điểm xây dựng Đề án.
Có mặt ở xã Hỏa Lựu, TP Vị Thanh vào ngày giao dịch định kỳ của tháng 5/2017, chúng tôi được ông Danh Sonl, Chủ tịch Hội Nông dân xã phấn khởi cho biết, mỗi năm xã có từ 70 - 80 hộ thoát nghèo nhờ được vay vốn ưu đãi. Riêng Hội Nông dân xã nhận ủy thác của NHCSXH quản lý hơn 14 tỷ đồng, mà đến nay nợ quá hạn chỉ có hơn 60 triệu đồng do những hộ gia đình này đi làm ăn xa. Hộ bà Huỳnh Thị Ánh, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu được vay vốn nuôi heo, sau mở rộng sang nuôi cá tra. Đến năm 2016 bà Ánh đã thoát nghèo nhưng tiếp tục được vay 20 triệu đồng ưu đãi theo chương trình hộ mới thoát nghèo để tiếp tục nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.
Kết quả trên có phần đóng góp không nhỏ từ việc củng cố hoạt động của Tổ TK&VV. Đến ngày 31/3/2017, toàn chi nhánh có 2.289 tổ TK&VV, trong đó: 1.907 tổ TK&VV xếp loại tốt (tương đương 83,3%), tăng 71,3% so với thời điểm xây dựng Đề án; 40 tổ xếp loại trung bình (tương đương 1,7%), giảm 42,3% so với thời điểm xây dựng Đề án.
Không chỉ nâng cao về chất lượng, quy mô nguồn vốn chính sách cũng tăng cao. Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước Trung ương giao đến 31/3/2017 là 1.8.711 triệu đồng, tăng 876.737 triệu đồng (tăng 91,1%) so với thời điểm xây dựng Đề án. Nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương là 25.728 triệu đồng, tăng 18.378 triệu đồng (tăng 250%) so với thời điểm xây dựng Đề án. Nguồn vốn huy động được trung ương cấp bù lãi suất luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao. Đến 31/3/2017, số dư huy động được 95.370 triệu đồng, tăng 80.581 triệu đồng (tăng 544,9%) so với thời điểm xây dựng Đề án.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về quản lý hoạt động tín dụng chính sách, chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, ý thức có vay có trả của người dân. |
Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2012 - 2016, toàn tỉnh đã có trên 182.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần cùng với địa phương giúp trên 20.000 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2011 là 14,5% đến năm 2015 xuống còn 6,23%; và theo giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo đầu giai đoạn là 14,91%, kết thúc năm 2016, tỷ lệ xuống còn 12,48%.