Tin nổi bật trong tuần từ 2/11 – 8/11

Trong tuần qua, dư luận quan tâm đến thông tin Bộ Chính trị kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Bình bằng hình thức cảnh cáo; ngày đầu tiên các tư lệnh ngành trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; phiên họp thảo luận tại hội trường Quốc hội về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước.

Bộ Chính trị kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Bình bằng hình thức cảnh cáo

Ngày 6/11/2020, tại trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị để xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: TTXVN

Xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm sau:

1. Chịu trách nhiệm người đứng đầu về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành văn bản quy định có nội dung không đầy đủ, không đúng nguyên tắc theo quy định của Chính phủ, dẫn đến các vi phạm, khuyết điểm trong xử lý nợ xấu, gây thất thu ngân sách nhà nước.

2. Vi phạm trong việc ký ban hành nghị quyết đồng ý cho Ngân hàng Xây dựng vay đặc biệt với lãi suất 0% và không có tài sản bảo đảm.

3. Chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc chấp thuận cho nhóm Thiên Thanh được mua lại cổ phần của Ngân hàng Đại Tín; chấp thuận cho Phạm Công Danh là nhân sự dự kiến thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng; không kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng Xây dựng.

4. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc khi không báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương đối với những vấn đề lớn, hệ trọng. Không báo cáo đầy đủ và thực hiện không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc mua bắt buộc 3 ngân hàng với giá không đồng là vi phạm nguyên tắc thẩm quyền.

5. Để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng, nhiều cá nhân bị xử lý hình sự.

Như vậy, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Bình chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và trách nhiệm cá nhân của đồng chí trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự.

Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Nguyễn Văn Bình là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cá nhân đồng chí.

Trong quá trình kiểm điểm, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã nhận trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Xét bối cảnh tình hình, nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và quá trình công tác, đóng góp của đồng chí đối với Đảng, Nhà nước; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Bình bằng hình thức cảnh cáo.

Các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn rõ ràng, đúng trọng tâm

Ngày 6/11, ngày đầu tiên Quốc hội chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Đây cũng là phiên cuối cùng về hoạt động chất vấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhằm đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/11. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ngay sau bài phát biểu khai mạc, Quốc hội đã nghe: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày các báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Tiếp đó, đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về các nội dung trên. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trả lời các câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.

Hàng loạt các vấn đề "nóng" được dư luận quan tâm đã được chất vấn và các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đúng trọng tâm như:

Trong lĩnh vực Giáo dục - đào tạo, các đại biểu tập trung chất vấn về: Kinh phí đổi mới chương trình sách giáo khoa; giải pháp giảm tải cho giáo viên; khối lượng kiến thức trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; về tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục; nguyên nhân của việc nơi thừa, thiếu giáo viên; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

Đối với lĩnh vực Thông tin và truyền thông, các đại biểu chất vấn về: Việc triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam; sự khác nhau giữa Chính phủ số và Chính phủ điện tử; giải pháp phát triển Chính phủ điện tử trong thời gian tới; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; việc thực hiện quy hoạch báo chí; tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí; giải pháp thúc đẩy sự phát triển của mạng xã hội Lotus; vấn đề tin giả, tin xấu, độc trên không gian mạng; việc quản lý nhà nước đối với mạng xã hội…

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đại biểu tập trung chất vấn về: Những giải pháp căn cơ trong phòng, chống thiên tai; nguyên nhân cơ bản của hiện tượng lũ lụt tại miền Trung; giải pháp đối với vấn đề biến đổi khí hậu; việc xây dựng các công trình đầu tư chống biến đổi khí hậu ở một số địa phương; nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng độ che phủ rừng của Việt Nam thấp hơn các nước lân cận; giải pháp đối với nguy cơ tuyệt chủng động vật hoang dã ở Việt Nam; giải pháp trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp; tổ chức thị trường nông nghiệp; việc sắp xếp tổ chức hệ thống quản lý thú y ở cơ sở; xây dựng bản đồ các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chỉ đạo, nghiên cứu vắc-xin dịch tả lợn châu Phi và xây dựng chương trình phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh giai đoạn 2020-2030 theo Nghị quyết 100 của Quốc hội…

Đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong sai sót của bộ sách giáo khoa lớp 1

Tại phiên họp thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước... sáng 4/11, là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng nếu chấp nhận một bộ sách đầy những mảng chắp vá được phát hành thì đó là thái độ thỏa hiệp rất nguy hại và cần làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng bộ phận chứ không chỉ dừng lại ở việc rút kinh nghiệm.

Trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội về bộ sách giáo khoa lớp 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong Luật giáo dục (sửa đổi), điều 32 khoản 3 quy định rất rõ, trách nhiệm trực tiếp ở đây là của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Luật quy định rất rõ, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa ở tất cả các khâu đó.

"Cá nhân tôi nhiều lần từng gặp các đồng chí, các thầy cô giáo, sơ bộ đúng như đại biểu quốc hội nói. Bộ trưởng Nhạ cũng nói với tôi là Bộ trưởng không hề có kiến thức và kinh nghiệm dạy ngữ văn lớp 1. Qua các lần làm việc, tôi có thể nói, bộ sách giáo khoa đã được biên soạn nhưng cuốn Tiếng Việt của nhóm Cánh Diều đã được Bộ thẩm định, phê duyệt là có lỗi, có sai sót, có sạn. Lỗi này cần được tiếp thu tiếp thu rất cầu thị, khoa học", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những việc không hiểu cần có sự trao đi đổi lai một cách cởi mở, trên hết là cầu thị. Bộ trưởng đã nhìn nhận rõ có sai sót, trách nhiệm thuộc về Bộ và Bộ trưởng cũng đã có những bước chỉ đạo về việc này như thay Chủ tịch hội đồng thẩm định...

"Trước đây chúng ta là một chương trình, một bộ sách, gần như không phân biệt và gần như bắt buộc. Còn hiện nay, một bộ sách hay nhiều bộ sách thì chất lượng phải bằng hoặc tốt hơn ngày xưa. Việc đó là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ không hoàn thành được nếu không có sự đóng góp của đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục, đặc biệt là toàn thể nhân dân. Chúng tôi đã chỉ đạo Bộ cần tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo sách giáo khoa lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định để mọi người dân sẽ góp ý, qua đó tiếp thu, chắt lọc ý kiến đúng. Tất cả đều vì tương lai đất nước đều vì con cháu", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Hai bị cáo nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV bị tuyên phạt 14 năm 6 tháng tù

Hai bị cáo nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV là Trần Lục Lang bị tuyên phạt 8 năm tù, Đoàn Ánh Sáng bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù về cùng tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Sau một tuần xét xử và nghị án, chiều 2/11, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án phạt 12 bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng).

Cùng tội danh "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", Tòa đã tuyên phạt 6 bị cáo gồm: Kiều Đình Hòa (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) 5 năm tù, Lê Thị Vân Anh (nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Ngô Duy Chính (nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành) 7 năm tù, Nguyễn Xuân Giáp (nguyên Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành) 6 năm tù, Phạm Hồng Quang (nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp I BIDV Chi nhánh Hà Thành) 4 năm tù, Đặng Thành Nam (nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV Chi nhánh Hà Thành) 3 năm 6 tháng tù.

Đối với nhóm 4 bị cáo bị kết án về tội "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản", Tòa đã tuyên phạt các bị cáo: Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng) 18 năm tù, Trần Anh Quang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) 13 năm tù, Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) 12 năm tù, Nguyễn Thị Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Công ty Hà Nam) 3 năm tù.

Mở rộng khu cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú cho người nhập cảnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa có ý kiến về việc tiếp nhận cách ly công dân Việt Nam về nước trên các chuyến bay thương mại để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là Hà Nội, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng khu cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú cho người nhập cảnh (kể cả người nước ngoài và người Việt Nam về nước) trên các chuyến bay thương mại, thông báo cho Bộ Y tế để phối hợp cùng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông Vận tải điều phối việc cách ly người nhập cảnh, vừa đảm bảo phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho hoạt động khách sạn, cơ sở lưu trú. Kinh phí cách ly do người cách ly tự chi trả.

XC/Báo Tin tức
Diễn đàn tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh
Diễn đàn tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh

Chiều 8/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ và các đơn vị hữu quan tổ chức Diễn đàn tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN