Hà Nội nới lỏng giãn cách
Trong tuần từ 21-27/6, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành 2 văn bản để nới lỏng giãn cách với một số hoạt động. Cụ thể:
Theo công văn hoả tốc số 1942/UBND-KGVX do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng ký tối 21/6, từ 0 giờ ngày 22/6/2021, UBND TP Hà Nội cho phép mở cửa trở lại: Dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà, với điều kiện đảm bảo: Khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày (nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về). Chủ các cơ sở dịch vụ phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khách hàng khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin khách hàng hàng ngày.
Chiều 25/6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng ký công văn hoả tốc số 2006/UBND-KGVX. Theo đó, lãnh đạo TP Hà Nội cho phép một số hoạt động như sân tập golf, thể thao ngoài trời được phép hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 26/6/2201. Tuy nhiên, đối với sân tập golf, chủ cơ sở và nhân viên phải lập danh sách người đến chơi hàng ngày, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc đối với người đến chơi; hoạt động thể dục thể thao ngoài trời không được tụ tập quá 20 người trong 1 khu vực.
Nhiều ca bệnh, chuỗi lây nhiễm COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh
Tuần 21-27/6 ghi nhận sự tăng vọt của các ca lây nhiễm COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, chiều 25/6, tại cuộc họp Ban chỉ đạo TP Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giảm đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ 6 giờ ngày 24/6 đến 6 giờ ngày 25/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố ghi nhận 667 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Tính đến 6 giờ ngày 27/6, có 3.335 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố; trong đó: 3.084 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 247 trường hợp nhập cảnh, 4 trường hợp lây trong khu cách ly. Trong tuần, TP có tới trên 20 chuỗi lây nhiễm được ghi nhận. Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện cách ly cho 39.578 bệnh nhân, trong đó: 11.626 người đang cách ly tập trung, 27.952 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.
Tính đến 18 giờ ngày 27/5, Việt Nam có tổng cộng 4.824 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận trong nước và 1.492 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 3.254 ca.
Trong tuần, TP Hồ Chí Minh đã triển khai rầm rộ chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 4, từ ngày 20/6 với 836.000 liều (bao gồm 50.000 liều dành cho công an và quân đội). Ngày 21/6 bắt đầu triển khai tiêm chủng cho tổ COVID cộng đồng, người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu… tại 22 quận huyện, Thành phố Thủ Đức và triển khai song song tại các Khu công nghiệp/Khu chế xuất.
TP Hồ Chí Minh cũng đồng thời thực hiện nhiều giải pháp: Tổ chức khai báo y tế cho người về từ các địa phương, khu vực có ca bệnh, bị giãn cách; Theo dõi y tế người sau cách ly về cư trú tại Thành phố, bệnh nhân sau xuất viện; tăng cường giám sát hoạt động tại các khu cách ly tập trung, các doanh nghiệp, khu chế xuất/khu công nghiệp. Xét nghiệm giám sát…Trong tuần, TP Hồ Chí Minh thêm bệnh viện dã chiến chuyên điều trị COVID-19, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm diện rộng từ ngày 26/6 đến ngày 30/6, tại 5 quận, huyện có nhiều ca mắc COVID-19 gồm quận Tân Phú, Quận 8, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.
TP Hồ Chí Minh: Chợ đầu mối Hóc Môn tạm dừng hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp
Từ 0 giờ ngày 28/6 chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn) tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp để phòng chống dịch sau khi ghi nhận 19 trường hợp mắc COVID-19 tại đây.
UBND huyện Hóc Môn giao Ban giám đốc Công ty TNHH TMV Quản lý Kinh doanh chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn thông tin cho các tiểu thương biết để thay đổi hình thức vận chuyển, giao và nhận hàng theo hình thức điều phối trực tuyến, giao tận nơi cho những khách hàng mà không thực hiện trực tiếp tại chợ đầu mối, đảm bảo hàng hoá lưu thông thông suốt, đến tay người tiêu dùng; Đồng thời tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chợ và phối hợp với Sở Công Thương, UBND huyện Hóc Môn để xây dựng phương án chống dịch với nhiều tình huống xử lý khác nhau để áp dụng khi chợ hoạt động trở lại.
Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể cách ly tại nhà với F1 ở TP Hồ Chí Minh
Trưa 27/6, Bộ Y tế có văn bản cho biết Bộ đã xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 cho các đối tượng thuộc diện F1 để UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn thành phố...
Hiện nay tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, xuất hiện các chủng virus SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng với số lượng người tiếp xúc gần (F1) lớn gây quá tải các cơ sở cách ly y tế tập trung.
Theo văn bản này, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về các điều kiện cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 và yêu cầu chính quyền các cấp tại TP Hồ Chí Minh, các tổ chức, cá nhân, thực hiện theo các hướng dẫn.
Trong tuần, thêm một trường hợp tử vong sau tiêm vaccine COVID-19 tại Đông Anh, Hà Nội
Tuần từ 21-27/6, một thông tin được dư luận quan tâm là trường hợp tử vong sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Trường hợp này là anh T.H.L (nam, sinh năm 1995); ở địa chỉ Bến Trung, Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội; làm nghề giáo viên. Sáng ngày 20/6/2021 anh T.H.L đến điểm tiêm tại Trạm Y tế xã Nam Hồng. Tại đây anh T.H.L được khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine COVID-19 và đủ điều kiện tiêm chủng nên được chỉ định tiêm vaccine COVID-19 do AstraZeneca sản xuất. Sau tiêm, anh T.H.L được theo dõi 30 phút tại Trạm Y tế và hướng dẫn tiếp tục theo dõi tại nhà theo đúng quy định. Đến 21 giờ 55 phút, ngày 21/6/2021, anh T.H.L xuất hiện co giật, và được cấp cứu tại chỗ nhưng tình trạng người bệnh tiến triển xấu như: Toàn thân tím tái, mạch cảnh không bắt được; huyết áp không đo được; đồng tử giãn từ 5 đến 6 mm… Người bệnh đã được chuyển ngay đến Bệnh viện đa khoa Đông Anh. Tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh, người bệnh tiếp tục được cấp cứu tích cực. Tuy nhiên, đến 23 giờ 15 phút ngày 21/6, người bệnh tử vong.
Hội đồng chuyên môn đã kết luận: Đây là trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân sau 39 giờ tiêm vaccine phòng COVID-19. Qua các biểu hiện lâm sàng và kết quả pháp y hiện chưa thấy có bằng chứng cho thấy tử vong do phản vệ hoặc tắc mạch; cần tiếp tục thực hiện các xét nghiệm vi thể và giải trình tự gen để có kết luận. Vaccine tiêm cho người bệnh đã được Bộ Y tế cấp, có nguồn gốc rõ ràng, có đầy đủ sổ sách, hóa đơn và phiếu xuất kho. Quy trình tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vaccine và quy trình thực hành tiêm chủng đúng quy định.
Y án 10 năm tù cho bị cáo Nguyễn Nhật Cảm tại phiên phúc thẩm vụ CDC Hà Nội
Tuần 21-27/6, phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) được dư luận quan tâm.
Tại phiên toà, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định: Hành vi của các bị cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, trong khi Đảng, Nhà nước và nhân dân đang nỗ lực chống dịch.
Việc nhiều tổ chức, cá nhân, nhà khoa học có đơn xin xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo, Tòa phúc thẩm ghi nhận các ý kiến, đề nghị này. Tòa phúc thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ và xác định Tòa án cấp sơ thẩm đã cho các bị cáo hưởng đầy đủ. Do đó, Tòa phúc thẩm cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của 6 bị cáo và tuyên án giữ nguyên mức án như cấp sơ thẩm.
Cụ thể, các bị cáo bị tuyên phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó, Nguyễn Nhật Cảm (nguyên Giám đốc CDC Hà Nội) bị tuyên án 10 năm tù giam với vai trò chủ mưu, là người khởi xướng. Các bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh (nguyên Trưởng Phòng Tài chính Kế toán CDC Hà Nội) và Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST) cùng bị tuyên mức án 6 năm 6 tháng tù. Nguyễn Trần Duy (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành),Nguyễn Thị Kim Dung (nguyên Trưởng Phòng Tổ chức hành chính CDC Hà Nội) nhận 6 năm tù. Nguyễn Ngọc Quỳnh (nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội) lãnh án 5 năm tù.