Bàng hoàng khi lũ dữ “càn” qua
Sau khi lũ dữ quét qua, bản nghèo Nậm Nhừ 1 chỉ còn là cảnh tan hoang, đổ nát khi nhiều nhà cửa bị cuốn trôi, các công trình dân sinh bị phá hủy và hư hỏng, đường liên bản bị cuốn trôi, chia cắt, cô lập gần 130 hộ dân, trường học hư hỏng nghiêm trọng nhưng rất may, lũ dữ không gây thiệt hại về người.
Nậm Nhừ 1 là trong 6 bản của xã Nậm Nhừ, xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên). Bản Nậm Nhừ 1 tập trung khá đông dân cư bởi cách trụ sở xã Nậm Nhừ khoảng 2 km, có trường Tiểu học thuận lợi cho con em các gia đình trong bản. Sau một đêm thức giấc, lũ ống, lũ quét lại xảy ra với mức độ tàn phá kinh hoàng.
Chưa hết bàng hoàng khi trận lũ đi qua, cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Nhừ cho biết: “Đỉnh điểm của trận lũ vào sáng 17/8, nước lũ dâng cao, ngập sâu khuôn viên trường đến gần 3 mét. Nước từ thượng nguồn đổ về ồ ạt, chảy xiết và quét thẳng rất nhanh qua khu vực nhà ở của giáo viên và nhà nội trú của học sinh nên các giáo viên không thể di chuyển tài sản mà chỉ kịp chạy thoát thân ra khỏi vùng lũ. Sau lũ, bếp ga, tủ lạnh, xe máy của các giáo viên, tài sản trong khu tập thể giáo viên và gia súc, gia cầm của trường nuôi được cũng bị lũ cuốn trôi, mất hết”.
Là một trong 4 gia đình ở bản Nậm Nhừ 1 bị lũ cuốn trôi nhà, anh Đỗ Công Mạnh thất thần kể lại: Đêm 16/8, mưa rất to. Sáng sớm 17/8, khi tôi ra nhìn thì thấy lũ đã xuất hiện, càng lúc lũ về càng lớn hơn, sau đó cuốn trôi hai căn nhà của thầy giáo ở phía đối diện bên kia. Khi mọi người trong gia đình hốt hoảng chạy kịp ra khỏi nhà thì lũ ập đến cuốn trôi luôn nhà của tôi. Chỉ trong phút chốc, căn nhà với nhiều hàng hóa, vật liệu xây dựng bị cuốn mất trong dòng lũ dữ, mọi người chỉ biết đứng nhìn trong bất lực, vô vọng.
Cùng chung cảnh ngộ chạy lũ, thầy giáo Lường Văn Tươi, Trường Tiểu học Nậm Nhừ cho biết: Lúc lũ tràn về, vợ chồng tôi và một gia đình khác phòng bên cạnh cùng với bốn đứa con nhỏ phải trèo lên cổng trường mới may mắn thoát được nước lũ. Sau khi lũ đi qua, ai cũng rất hoang mang.
Cô giáo Quàng Thị Vân, Trường Tiểu học Nậm Nhừ cho biết thêm: “Nước lũ dâng rất cao, ngập sâu đến mức dãy nhà công vụ có nguy cơ bị nhấn chìm trong lũ. Lũ lên nhanh, chia cắt khuôn viên trường nên chẳng ai có thể chạy sang hỗ trợ cho nhau được, chỉ lo thoát thân. Về đây công tác từ năm 2009 đến giờ, năm nay là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh lũ lớn như thế này.
Khẩn trương giúp dân ổn định cuộc sống
Điều đặc biệt, ngay trong thời điểm lũ dữ diễn ra, chính quyền địa phương, các phòng ban chức năng của huyện Nậm Pồ, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn đã triển khai công tác ứng cứu để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, khắc phục thiệt hại nhằm sớm ổn định cuộc sống khi lũ qua.
Ông Vàng Văn Vả, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Nậm Nhừ cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, xã đã huy động 50 người gồm lực lượng Bộ đội biên phòng Nậm Nhừ, cán bộ, công an xã, công an tỉnh Điện Biên đang bám địa bàn làm nhà cho dân nhanh chóng có mặt tại hiện trường để dọn dẹp đồ đạc, tìm kiếm tài sản cho người dân và khắc phục hậu quả lũ lớn gây ra.
Chia sẻ với phóng viên, Trung tá Đặng Văn Hạnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Nậm Nhừ cho biết: Bản Nậm Nhừ 1- nơi xảy ra sự cố thiên tai lũ ống, lũ quét cách địa điểm đơn vị đóng chân khoảng hơn 10 km. Khi nhận được thông tin, Ban Chỉ huy đồn đã tức tốc hội ý khẩn rồi cắt cử, phân công 15 chiến sĩ cùng đồng chí Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng Nậm Nhừ cơ động bằng xe máy, mang theo 2 máy cưa, dao, cuốc, xà beng… xuống hiện trường để chỉ đạo, phối hợp cùng chính quyền địa phương, dân quân, công an dọn đường để các phương tiện xe máy tiếp cận hiện trường dễ dàng và nhanh chóng triển khai lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai. Các lực lượng đã khuân tủ sách, đồ đạc, thiết bị của trường lên những điểm cao hơn, thu dọn bùn đất, rác, cắt bỏ cây đổ di chuyển ra khỏi khuôn viên trường, xung quanh nhà dân và suối; chuyển đồ đạc và 5 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ mất an toàn.
Theo Trung tá Đặng Văn Hạnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Nậm Nhừ, đến thời điểm này tình trạng nước lũ đã không còn căng thẳng. Tại hố hàm ếch dưới chân móng dãy nhà công vụ của Trường Tiểu học Nậm Nhừ, bộ đội biên phòng đã đóng cọc tre, đắp bao cát, rọ đá vào móng để không cho nước xoáy vào khi nước suối dâng cao. Trên tuyến đường liên bản bị cuốn trôi, chiều 17/8, các lực lượng đã dựng tạm một cây cầu tre rộng hơn 1m, dài hơn 10m để nối qua suối, tạo điều kiện cho người dân qua lại. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua suối, Đồn biên phòng Nậm Nhừ đã cắt cử 2 chiến sĩ túc trực 2 đầu cầu để hỗ trợ, dẫn dắt người và phương tiện.
Trung tá Đặng Văn Hạnh cho biết: Trong mùa mưa lũ, Đồn Biên phòng Nậm Nhừ đã có kế hoạch phòng chống, ứng trực trước những diễn biến, tình huống phức tạp về thiên tai trên địa bàn. Ngoài thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng, Đồn biên phòng Nậm Nhừ còn thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới và phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn cho người dân trong thời gian cao điểm của mùa mưa lũ với tình huống thiên tai bất thường xảy ra.
Ngày 17/8, có mặt tại nơi xảy ra lũ ống, lũ quét, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: Thống kê cho thấy thiệt hại do trận lũ gây ra lên đến hơn 4,2 tỷ đồng. Nhằm sớm ổn định cuộc sống cho người dân, trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng mỗi hộ 2 triệu đồng và chỉ đạo các lực lượng, chính quyền địa phương bố trí nơi ở tạm cho các hộ có nhà bị lũ cuốn trôi; rà soát và nhanh chóng di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Địa phương cũng đã huy động máy móc san gạt, thu dọn mặt bằng, làm cầu tạm bắc qua suối.
Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết, huyện đã cử đoàn công tác về xã Nậm Nhừ để nắm tình hình cụ thể, đồng thời chỉ đạo, phối hợp cùng với chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội biên phòng Nậm Nhừ… để khắc phục hậu quả trước mắt, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng bám nắm, theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời, giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại khi có mưa lũ bất thường xảy ra.