Con dao hai lưỡi
Theo số lượng thống kê, hiện nay có hơn 30 triệu người Việt Nam sử dụng các mạng xã hội, đặc biệt là facebook đã trở thành phương tiện phổ biến để chia sẻ thông tin, hình ảnh hay trao đổi các vấn đề về mọi mặt của xã hội. Trong thế giới “ảo” của mạng xã hội, người dùng có thể vô tư thể hiện quan điểm của cá nhân. Bên cạnh tiện ích tính tích cực của mạng xã hội cũng đã xuất hiện những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa của một bộ phận người dùng.
Blogger Nguyễn Ngọc Long chia sẻ về vấn đề này: "Đặc thù của mạng xã hội là tính lan tỏa nhanh, mang tính hiệu ứng đám đông. Mặt tích cực là dễ dàng kết nối mọi người lại với nhau, nắm bắt thông tin nhanh chóng, mỗi người có quyền biểu đạt suy nghĩ, tiếng nói của mình… Nhiều trường hợp nhờ được đưa lên mạng xã hội đã được giúp đỡ kịp thời hoặc kéo các cơ quan chức năng vào cuộc, có phản hồi ngay. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những tác động không biểu hiện ra ngay mà ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của con người".
Anh Nguyễn Ngọc Long cho rằng, luồng thông tin trên mạng xã hội là rất lớn và nhiều chiều, thế nhưng nhiều người dùng mạng xã hội đọc thông tin và không kiểm định, kiểm chứng. Mạng xã hội mang đến không gian để tương tác với nhau nhiều hơn, nhưng vô hình đã trở thành công cụ tạo nên thói quen xấu: dễ phán xét, can thiệp sâu vào chuyện của người khác. Đây là một hành vi tiêu cực, nếu mang cách ứng xử đó ra ngoài đời thực.
7 đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Ảnh: Như Sỹ/TTXVN |
Sinh viên Nguyễn Minh Trang (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Tôi dùng facebook để tương tác rất nhiều, về mọi vấn đề. Nhưng theo tôi, mạng xã hội có mặt tốt và có mặt xấu. Có những thông tin trên mạng xã hội thật sự hữu ích, đặc biệt lượng thông tin trên mạng xã hội rất nhiều, điều đó là tốt nhưng đồng thời cũng gây khó khăn để phân định tính đúng sai của nó. Hơn nữa, ngoài những bình luận, góp ý mang tính xây dựng, cũng có nhiều lời bình luận rất nặng nề, chỉ trích gây tổn thương tới người khác, hoặc đưa ra những thông tin sai sự thật, gây nên việc bị nhiễu thông tin làm nhiều người hoang mang, không hiểu được bản chất đúng của vấn đề đó”.
Mạng xã hội là thế giới tràn ngập thông tin, nhưng việc kiểm soát và thẩm định lại tính đúng sai của thông tin là rất khó. Hơn nữa, trong thời gian kiểm định lại tính đúng sai, thông tin đã được lan truyền "chóng mặt" trên mạng xã hội và gây ảnh hưởng không nhỏ. Trên thực tế, đã có rất nhiều sự việc, thông tin trên mạng không được kiểm chứng, tới khi mọi chuyện vỡ lẽ cư dân mạng lại bị một phen phẫn nộ.
Điển hình là
hành động của một người mẹ vô nhân tính có nick facebook là Mẹ Coca, tên thật là Nguyễn Trần Hoài Thắm (Đà Nẵng), đã lợi dụng bệnh hiểm nghèo của chính con mình - bé Coca, tên thật là Hồ Nam, để trục lợi từ các nhà hảo tâm. Hồ Nam bị bệnh tim bẩm sinh thể tứ chứng Fallot. Người mẹ trẻ đã lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người, và những dòng tâm sự của người mẹ ấy đã lấy được sự thương cảm của rất đông cư dân mạng. Họ hô hào nhau đến thăm bé Coca, và còn đứng ra lập hội kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Hoàn cảnh của bé Coca đáng thương như vậy, nhưng hóa ra những lời kêu gọi đầy nước mắt của mẹ bé lại chỉ là những lời nói dối với mục đích có tiền để ăn tiêu và mua "ipad".Bị cáo Trần Thiên An tại phiên tòa. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN |
Trên thực tế, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo, phạm tội. Vụ bé N.K.N (sinh năm 2004, ngụ phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) bị Trần Thiên An (sinh năm 1999. ngụ khóm 4, phường 3, thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu) hiếp dâm cũng bắt nguồn từ việc quen biết qua mạng xã hội, trò chuyện qua lại với nhau trên mạng và nảy sinh tình cảm.
Cả 2 gặp nhau, Trần Thiên An nhiều lần giao cấu với bé N, tại nhà của An. Trần Thiên An đã bị Công an thành phố Bạc Liêu bắt khẩn cấp về tội hiếp dâm trẻ em.
Không chỉ vậy, trên mạng xã hội không ít người dùng những lời lẽ tục tĩu, thiếu văn hóa để chỉ trích một cá nhân hay một sự vật, sự việc nào đó dù chưa biết thông tin có thật hay không. Điều này cũng tạo nên một thói quen xấu, một văn hóa ứng xử xấu trên mạng xã hội. Sinh viên Nguyễn Tuấn Hiển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Ở trên mạng xã hội, người dùng được tự do ngôn luận thế nên nhu cầu được nói lại càng lớn, tôi từng đọc được những bài viết trên trang cá nhân hay trên các page, confession (diễn đàn mà các thành viên tham gia có thể đăng tải lên đó những bí mật hay bất cứ điều gì mình muốn nói và danh tính của họ sẽ được giữ kín) mà ở dưới đó là rất nhiều những lời bình luận ác ý, phản cảm, thậm chí nhục mạ người khác".
Nỗ lực điều chỉnh hành vi ứng xử trên mạng xã hộiĐã có những trường hợp gây gổ trong thế giới “ảo” dẫn đến giải quyết bằng bạo lực ngoài đời thực, gây ra tổn thương tinh thần dẫn đến trầm cảm, thay đổi nhận thức và hành vi. Từ những sự việc đáng tiếc đã xảy ra, nhiều trường học đã đề ra nội quy về việc sử dụng mạng xã hội với học sinh, sinh viên. Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình nhưng cũng có không ít người phản đối, vì cho rằng như vậy là ảnh hưởng quyền riêng tư của mỗi cá nhân.
PGS, TS. Đinh Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Tôi cho rằng, trong các trường học cần phải có nội quy về vấn đề này, ví dụ như: không sử dụng mạng xã hội để nói xấu nhau. Cần phải giáo dục mạnh mẽ hơn nữa cả trong nhà trường lẫn trong gia đình”.
Tọa đàm "Khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội gây thiệt hại cho cá nhân và tổ chức - Thực trạng, phòng ngừa và đề xuất". Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Để việc kiểm soát và thay đổi có hiệu quả còn cần cả sự vào cuộc của các cơ quan, trong việc xây dựng nên bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bên cạnh đó các doanh nghiệp quản lý mạng xã hội cũng cần có quy tắc nhắc nhở, cảnh báo vi phạm, kiểm duyệt nội dung, xây dựng từ điển mạng xã hội để tự động loại bỏ những từ nhạy cảm.
Trên thực tế, đã có Nghị định 72/2013/NĐ-CP - Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT - Quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông đã hạn chế được nhiều tài liệu độc hại, tiêu cực bị phát tán trên mạng xã hội. Đồng thời, các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter hay YouTube cũng thể hiện thái độ đồng tình, ủng hộ khi chấp hành đầy đủ việc gỡ bỏ những thông tin bịa đặt, độc hại.
Xây dựng văn hóa "mạng" là một vấn đề nan giải hiện nay do không thể kiểm soát được những điều cư dân mạng bình luận cũng như cách mà họ sử dụng mạng xã hội. Thế nên việc xây dựng môi trường trong sạch, văn minh trên mạng xã hội là một công việc khó khăn cần sự nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan quản lý, nhưng yếu tố quyết định thành công vẫn phụ thuộc rất lớn vào sự tự giác, tự ý thức của người dùng từ chính cư dân mạng và cách người dùng chia sẻ thông tin trên trang cá nhân của mình.