Cảm thấy bị xúc phạm khi có người nói: “Nghèo như các chị thì làm ăn được gì”, nghệ nhân Đoàn Thị Nga, Chủ nhiệm hợp tác xã thủ công mỹ nghệ An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng) quyết tâm gây dựng cơ đồ. Những người được chị chọn vào làm việc đều là người nghèo và người tàn tật. Với sự nỗ lực, khéo léo của 40 phụ nữ làm trong hợp tác xã, nhiều sản phẩm đan, móc đã giành được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Lao đao tìm "đầu ra" cho sản phẩm
18 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị Nga vào làm việc ở Hợp tác xã thêu ren Trường Sơn. Sau vài năm làm việc ở đây, chị chuyển sang làm tại Công ty xuất nhập khẩu An Hải. Trước sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường, công ty không trụ nổi, bị giải thể. Chị về nhà thành lập tổ đan móc dành cho người khuyết tật thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Hải Phòng. Năm 2004, thấy mình đã vững vàng hơn trong điều hành và tìm được đầu ra cho sản phẩm, chị quyết định thành lập Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ An Dương. Sau 2 tháng thành lập hợp tác xã, chị đã nhận được niềm vui lớn. Sản phẩm túi xách tay "hình con cá" do chị làm giành giải 3 trong cuộc thi Golden V - cuộc thi sản phẩm của các cơ sở sản xuất có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Các sản phẩm này được đem triển lãm tại Pháp, Đức, nhờ thế một số đối tác nước ngoài biết đến chị và đặt hàng của hợp tác xã. Năm 2008, một cơ duyên nữa lại đến để chị Nga quảng bá sản phẩm. Tổng cục Du lịch Việt Nam mời chị sang thao diễn tay nghề tại Osaka (Nhật Bản) cùng với các nghệ nhân khác trong khu vực châu Á. Tại đây, chị Nga không chỉ học được những kinh nghiệm quý từ các đồng nghiệp mà còn thu hút được các đối tác Nhật tới cơ sở sản xuất tham quan. Những tưởng một con đường mới sẽ mở ra trước mắt chị và các chị em trong xí nghiệp khi có nhiều đối tác nước ngoài đến đặt hàng, song câu trả lời chị nhận được chỉ là: Cơ sở không đủ tiêu chuẩn để áp dụng phương pháp sản xuất hàng loạt. Chị ngỏ ý muốn nhờ họ đầu tư dây chuyền sản xuất, song họ trả lời: Họ không thích đầu tư cho người nghèo. Họ thích làm việc với người giàu.
Chị Nga (giữa) đang hướng dẫn chị em đan móc. Ảnh: Minh Thu - TTXVN |
Cơ sở không thể đáp ứng tiêu chuẩn cho những lô hàng lớn là điều chị đã nhìn thấy từ lâu. Chị mơ ước có một dây chuyền sản xuất bán công nghiệp để người lao động vừa dệt hàng bằng máy, vừa làm thủ công. Nhưng "cái khó bó cái khôn", không ngân hàng nào cho hợp tác xã vay tiền. Lãi thu từ các sản phẩm thủ công rất thấp nên tiền trả công cho người lao động đã là một gánh nặng chứ chưa nói đến tiền đầu tư. Trước bài toán nan giải làm thế nào để tiếp tục xuất được hàng và giành chỗ đứng trên thị trường nội địa trong khi phải cạnh tranh gắt gao với các mặt hàng sản xuất bằng máy, chị Nga buộc phải tìm một hướng đi khác.
Tận dụng mọi cách để bán được hàng
Tìm mua nguyên liệu rẻ, thiết kế những mẫu hàng độc, lạ, nhờ các công ty lớn phân phối sản phẩm, sản xuất các ngành hàng khác để có thêm chi phí là những cách chị Nga đã làm để duy trì hoạt động của hợp tác xã. Do sản xuất thủ công nên mỗi một sản phẩm tiêu hao rất nhiều sức lao động. Nếu mua nguyên liệu đắt, cộng với tiền công cho công nhân thì sản phẩm không thể len lỏi vào thị trường vì giá thành quá cao. Để hạ giá thành sản phẩm, chị Nga luôn mua nguyên liệu tận gốc. Chị cũng tìm tới các công ty dệt may lớn thu mua nguyên liệu thừa, sau đó về chắt lọc lại, tạo ra những sản phẩm mong muốn. Dù làm việc ở một thị trấn nhưng chị tận dụng mọi cơ hội để tìm hiểu thị trường và nắm bắt nhu cầu khách hàng. Mỗi dịp có Việt kiều về quê chơi, chị lại thăm dò khách hàng bên đó cần sản phẩm gì, mẫu mã năm nay ra sao. Có chút ít thời gian, chị vào mạng Internet để tìm ý tưởng cho những mẫu mã mới. Để hàng hóa của hợp tác xã xuất ra nước ngoài, chị nhờ người quen giới thiệu sản phẩm và tìm tới các công ty lớn như Phú Thái, Tổng Công ty thủ công mỹ nghệ nhờ họ phân phối sản phẩm. Hiện tại, 50% khăn, áo sản xuất tại hợp tác xã được bày bán chủ yếu ở phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An và một số đơn vị đầu mối thu mua, 50% sản phẩm xuất ra nước ngoài.
Do lợi nhuận thu được từ hàng thủ công rất thấp nên hợp tác xã luôn đau đầu với bài toán chi phí. Hơn 2 năm nay, chị Nga không biết đến một đồng lương nào. Lương của chị em làm đan móc cũng chỉ từ 600.000 - 1.000.000 đồng/tháng. Nhiều lúc chị muốn giải thể hợp tác xã, có điều giải thể rồi thì 40 con người đang làm ở đây sẽ tìm việc ở đâu. Lương của hợp tác xã tuy thấp nhưng vẫn là quá lý tưởng với những người tàn tật, những người không thể có cơ hội tìm một việc làm khác. Hơn nữa, ở đây mọi người có thêm những niềm vui mà người bình thường không bao giờ cảm nhận được. Nhớ những ngày mới thành lập, có người không biết chữ, không biết đi xe đạp, xe máy. Họ đến đây mặc cảm, tự ti. Sau một thời gian sinh hoạt cùng nhau, rào cản đó mới được gỡ bỏ. Chị em người nọ giúp người kia. Người biết chữ dạy người không biết chữ. Người mạnh khỏe hơn một chút giúp người yếu. Nhờ đó mà công việc vẫn chạy, cuộc sống vẫn vui vẻ. Vì thế, hợp tác xã không thể giải thể. Đã chấp nhận duy trì thì phải chấp nhận vất vả - chị Nga nhủ thầm như thế và lại tiếp tục tìm cách phát triển kinh tế.
Mỗi lần tham gia các lớp học và giao lưu, chị đều để ý cách làm hay. Mấy năm trở lại đây, chị trồng thêm cây cảnh, làm thêm nấm. Năm 2009, chị trồng thử một sào hồng hoa (một loại cây lấy hoa có tác dụng tốt cho sức khỏe, hoa dùng để pha nước uống, làm sirô, mứt) sau đó nhân giống để hội viên cùng làm. Trồng hồng hoa vừa không vất vả như trồng lúa mà tiền thu được cao hơn, mỗi sào cũng được từ 4-5 triệu đồng. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ được đến đó. Đối tác lớn nhất bao tiêu hồng hoa là Công ty Hapro của Hà Nội. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất sirô cũng đã tìm đến với chị. Chị Nga đang đề nghị phòng nông nghiệp huyện mở rộng trồng cây này tại An Dương để góp phần cải thiện thu nhập cho bà con nông dân.
Minh Thu - TTXVN