Duy trì hoạt động đón Trung Thu truyền thống
Ngày nay, khi điều kiện kinh tế phát triển, cuộc sống ngày càng hiện đại, Tết Trung Thu được tổ chức với nhiều hình thức và quy mô khác nhau. Ngay từ đầu tháng 8 (âm lịch), từ nông thôn đến thành thị, màu sắc Trung Thu tràn ngập các đường phố. Các gian hàng bày bán bánh Trung Thu, lồng đèn cũng góp phần tô điểm sắc màu trên các tuyến đường ở Thủ đô Hà Nội.
Ở các thành phố lớn, trẻ em có nhiều địa điểm vui Trung Thu hơn. Tại Thủ đô Hà Nội, chợ Trung Thu truyền thống trên phố Hàng Mã đầy ắp đồ chơi Trung Thu với nhiều kiểu dáng, chủng loại, màu sắc bắt mắt trước đêm Rằm tháng Tám cả tháng. Con phố này vẫn luôn là địa điểm được nhiều người dân lựa chọn tới tham quan, chụp ảnh, mua sắm đồ chơi, đồ trang trí cho Tết Trung Thu.
Những địa chỉ văn hóa trong khu phố cổ Hà Nội được “nhuộm” sắc màu Trung Thu truyền thống. Không gian văn hóa phố bích họa Phùng Hưng trưng bày gian hàng giới thiệu về đồ chơi Trung Thu truyền thống. Các nghệ nhân, thợ thủ công trực tiếp hướng dẫn du khách cách làm đồ chơi như đèn kéo quân, đèn ông sao, tàu thủy bằng sắt tây, phỗng đất, tranh Đông Hồ, diều sáo…
Du khách cũng có thể trải nghiệm không gian Tết Trung Thu truyền thống của gia đình Hà Nội xưa tại Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây); trải nghiệm cách làm đồ chơi truyền thống như vẽ mặt nạ, vẽ đèn tre, làm bưu thiếp và vẽ trên giấy dó, làm đèn thỏ, vẽ cá bằng gỗ tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ)...
Năm nay, thiếu nhi vẫn tiếp tục được vui Trung Thu tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long với nhiều hoạt động đa dạng như: xem múa rối cạn; múa lân; nghệ nhân làm đồ chơi, làm bánh Trung Thu với thiếu nhi, giúp các em khám phá nét văn hóa truyền thống. Các em được tìm hiểu về Trung Thu truyền thống thông qua không gian trưng bày đặc sắc.
Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại, các nhà thiếu nhi, trường học, khu vui chơi luôn ngập tràn không khí vui tươi, rộn ràng đón Tết Trung Thu cho trẻ nhỏ. Trẻ em ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc cũng nhận được sự hỗ trợ của nhiều ban, ngành, đoàn thể để có một Trung Thu trọn vẹn và ý nghĩa.
Truyền tải văn hóa trong lễ hội Trung Thu
Kịch bản chung trong các Lễ hội Trung Thu hiện nay là các tiết mục múa lân, sư tử; hoạt cảnh về sự tích chú Cuội trông trăng cùng chị Hằng, Thỏ ngọc; các ca khúc thiếu nhi vui tươi, rộn ràng, các gian hàng trưng bày, giới thiệu về đồ chơi truyền thống … Những hoạt động này hoàn toàn phù hợp với Tết Trung Thu, mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, vì cùng có nội dung na ná nhau nên nhiều chương trình, lễ hội Trung Thu chưa thực sự tạo được điểm nhấn.
Theo quan sát của phóng viên, chương trình “Trống hội Trăng Thu” được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) năm nay không thu hút đông đảo người tham gia như năm trước. Các gian hàng giới thiệu và hướng dẫn làm đồ chơi trung thu truyền thống cũng không phong phú, đa dạng và trang trí chưa bắt mắt.
Tại khu phố Bích Họa, Phùng Hưng (Hà Nội), các gian hàng được trang trí khá bắt mắt nhưng số lượng người tới đây để tìm hiểu về Trung Thu truyền thống ít hơn rất nhiều so với số lượng người tới để chụp ảnh. Các em nhỏ tham gia thử làm và mua một số đồ chơi truyền thống nhưng chỉ là vui chơi đơn thuần chứ chưa thực sự tìm hiểu về các giá trị văn hóa được cha ông truyền tải qua các đồ chơi truyền thống của dân tộc.
Dắt cậu con trai 9 tuổi tới tham quan phố Bích Họa, Phùng Hưng, chị Trần Thu Giang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị muốn đưa con đến đây để giải trí và tìm hiểu về Trung Thu truyền thống. Tuy nhiên, tới đây, chị chưa cảm thấy thỏa mãn do khu phố trưng bày ngắn, có phần đơn điệu. Các trò chơi vẫn giống như mọi năm và giống như nhiều điểm khác, không tạo được điểm nhấn riêng.
Em Nguyễn Hải Hà (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Em đã tham gia trải nghiệm trò chơi và bánh Trung Thu và truyền thống tại nhiều điểm vui chơi mỗi dịp Trung Thu nhưng chưa được tự tay làm hoàn chỉnh một món đồ nào đó từ đầu đến cuối.
Tại các điểm làm bánh, chỗ nào cũng để bột, nhân làm sẵn, người tham gia được nghe hướng dẫn và thực hành đổ bột vào khuôn, nhấn tạo hình, chờ nướng… Nói chung, người chơi chỉ được tham gia những công đoạn đơn giản. Hà mong muốn được trực tiếp tham gia làm tất cả các khâu từ đầu đến cuối, được giải thích cặn kẽ mọi công đoạn để nắm chắc và hiểu sâu hơn.
Chia sẻ về vấn đề này, một số nghệ nhân bày tỏ, hơn ai hết họ rất muốn trẻ em nắm bắt được hết ý nghĩa của Tết Trung Thu và các đồ chơi truyền thống nhưng đôi khi các yếu tố không gian và thời gian hạn chế nên rất khó để thực hiện.
Trong truyền thống, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, giới thiệu trò chơi và đồ chơi dân gian không đơn thuần là để giải trí, mà còn là cách giáo dục con trẻ sống nhân ái, nghĩa tình, hướng về cội nguồn; góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống mà ông cha đã dày công vun đắp.
Do vậy, việc tổ chức Lễ hội Trung Thu phải có điểm nhấn riêng cho từng lễ hội là điều cần được quan tâm nhằm tránh sự trùng lặp, đơn điệu, không truyền tải hết những ý nghĩa tốt đẹp trong lễ hội xưa của cha ông...