“Tôi cần phải nói một lời xin lỗi”

Giữa trưa của một ngày cuối tháng 4, tại căn nhà ở ấp Trung Hòa, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), ông Khâu Sĩ Nam và ông Tô Văn On - những nhân chứng sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từng hoạt động dưới hầm ngầm địa đạo, nghiêm trang trong quân phục người lính tiếp đón những vị du khách quốc tế vừa có chuyến ghé thăm địa đạo.

Cuộc hội ngộ đầy xúc động

Những cái bắt tay thật chặt, nụ cười thân thiện của hai cựu binh đã khiến cho 5 vị du khách Mỹ càng thêm bất ngờ vì họ còn chưa hết ngạc nhiên với những gì mà họ vừa được chứng kiến. Câu đầu tiên mà bà Adrienne Cooper, một trong những vị du khách, thốt lên để nói về địa đạo Củ Chi: “Ô, ngôi làng trong lòng đất”. Không chỉ riêng bà, 4 vị du khách người Mỹ còn lại cũng đều tỏ ra rất phấn khích vì trong chuyến du lịch này, họ còn có dịp trò chuyện với hai cựu binh Việt Nam đã từng sống và chiến đấu ở “ngôi làng trong lòng đất” đó.

Những du khách Mỹ có thể cảm nhận được đất nước Việt Nam nồng nhiệt, mến khách.


Ngồi bên chiếc bàn được kê ngay ngắn tại hiên nhà, 5 vị du khách vừa được thưởng thức những món ăn dân dã, đặc trưng của vùng “đất thép thành đồng” vừa được lắng nghe câu chuyện của hai người lính cụ Hồ kể về những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh. Qua phiên dịch, những du khách người Mỹ biết được rằng, nơi họ đang ngồi trò chuyện, cách đây hơn 40 năm còn được gọi là “ấp chiến lược” mà chính quyền Sài Gòn và cả quân đội Mỹ lập ra để dễ dàng chia tách và tiêu diệt những chiến sĩ giải phóng, lực lượng du kích địa phương - những người đã khiến kẻ thù phải sợ hãi vì lối đánh “xuất quỷ nhập thần” bằng hệ thống địa đạo chằng chịt, phức tạp.

“Trước khi được tham quan đường hầm địa đạo, chúng tôi được xem bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, được biết cách mà các bạn biến tất cả mọi vật liệu như tre, nứa… thành vũ khí lợi hại để chống kẻ thù xâm lược. Cho đến khi chúng tôi được khám phá đường hầm, được tìm hiểu kiến trúc của nó, đi trong không gian nhỏ hẹp, tăm tối và rất ngột ngạt, chúng tôi thực sự khâm phục sự sáng tạo của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi còn thấy rất nhiều phòng như: phòng họp, phòng vũ khí và cả phòng mổ, phòng hộ sinh… trong các tầng hầm và tôi không thể hình dung được sức chịu đựng của các bạn sao mạnh mẽ đến như vậy. Chưa kể đến hệ thống bẫy đa dạng được bố trí khắp nơi trên mặt đất. Nếu tôi là người lính Mỹ chiến đấu ngay trên mặt trận này cách đây hơn 40 năm, chắc chắn tôi sẽ rất khiếp sợ”, ông William C Donovan, chia sẻ sau chuyến tham quan của mình.

Ông John Gordon xúc động nắm chặt tay người cựu chiến binh Tô Văn On.


Điều mà 5 vị du khách người Mỹ khẳng định, họ thực sự rất ấn tượng khi đến thăm quan địa đạo Củ Chi và càng hiểu rõ hơn vì sao một đất nước Mỹ với lực lượng quân đội hùng mạnh, vũ khí tối tân, hiện đại nhưng phải thảm bại dưới sức mạnh của những con người Việt Nam có vóc dáng nhỏ bé. “Có khoảng 250 triệu tấn bom, đạn đổ xuống mảnh đất này, tính ra, mỗi một người phải hứng chịu 6 tấn bom, 700 viên đạn nhưng vẫn không thể đánh gục được chúng tôi. Bởi chúng tôi sinh ra, lớn lên, chiến đấu trên mảnh đất Củ Chi này và chúng tôi hiểu mảnh đất của mình. Khi máy bay địch quần thảo trên đầu, từng đợt bom, pháo rung chuyển mảnh đất “thép” này, thì những người lính như chúng tôi vẫn bám trụ và đáp trả kẻ thù từ trong lòng địa đạo. Nhiều chiếc máy bay địch đã rơi và chính những mảnh tôn, thép của xác máy bay được anh em ở xưởng cơ giới trong lòng địa đạo chế tạo thành vũ khí. Và dù kẻ thù có lập “ấp chiến lược” để dồn dân cũng không thể chặn đứng nguồn tiếp vận cho các chiến sĩ giải phóng”, giọng ông Khâu Sĩ Nam ôn tồn và nâng chén rượu Củ Chi mời những người khách Mỹ.

Trong buổi trò chuyện, những du khách Mỹ còn được gặp gỡ ông Phạm Văn Mi, dù đã bước qua tuổi 92 nhưng ông vẫn còn minh mẫn để kể rành rọt về cách vận chuyển thuốc men, thực phẩm cho chiến sĩ nằm trong vùng giải phóng. Điều khiến cho những du khách Mỹ phải khâm phục bởi ông Mi là một trong hàng ngàn người dân bị dồn vào “ấp chiến lược” và chịu sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù. “Thật ấn tượng khi được nghe ông Mi cho biết, gạo và thuốc men bọc trong túi vải và quấn quanh cổ con trâu đi giữa đàn để qua mặt lính gác. Tôi đã từng nghe về chiến tranh ở Việt Nam nhưng hôm nay được có dịp gặp gỡ những người từng trải qua cuộc chiến, tôi mới thấy dân tộc của các bạn thật can trường. Mọi suy nghĩ của tôi về chiến thắng của các bạn đã được giải đáp một cách cặn kẽ. Dân tộc Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng bằng sự can đảm và trí tuệ”, bà Adrienne Cooper xúc động nói.

Người Việt Nam yêu chuộng hòa bình

Xen trong câu chuyện kể cho các bạn Mỹ, ông Tô Văn On luôn nở nụ cười tươi và chỉ cho họ xem những vết thương của chiến tranh đã để lại trên thân thể ông. Ông đưa hai bàn tay ra phía trước và nắm lại, trong đó ngón út và áp út bên bàn tay phải không gập sát được, ông dí dỏm nói: “Hai ngón này đã trở nên vô dụng nhưng tôi vẫn còn lại 8 ngón tay. Vậy là đủ để góp sức cùng với đồng chí, đồng đội và nhân dân xây dựng lại quê hương sau ngày độc lập”.

Trở về sau chuyến “mục sở thị” khu di tích lịch sử cách mạng địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), 5 du khách người Mỹ đã hiểu vì sao một dân tộc nhỏ bé có thể chiến thắng được đế quốc hùng mạnh để giành độc lập cho dân tộc.

Những vị khách từ nước Mỹ xa xôi ngồi lặng im và chăm chú lắng nghe câu chuyện của ông On từ thông dịch viên. Dường như trong buổi gặp gỡ giữa hai cựu binh và đoàn du khách Mỹ đã không còn khoảng cách bất đồng ngôn ngữ và họ có thể thấu hiểu những đau thương mất mát, những nỗ lực không ngừng của dân tộc Việt Nam đứng lên sau cuộc chiến. Và một điều đáng trân trọng hơn nữa, những du khách Mỹ đã nhìn thấy được sự hiền hòa, yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam qua cuộc trò chuyện với những con người đã trải qua cuộc chiến và chịu những mất mát không thể bù đắp được.

Vừa nghe xong câu chuyện kể, ông John Gordon đã không kìm được xúc động, đôi mắt ông ngấn đỏ và siết chặt bàn tay của người cựu binh Tô Văn On. Ông chia sẻ rằng, chất độc hóa học, trong đó chất độc màu da cam được quân đội Mỹ rải xuống chiến trường Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh đã, đang và tiếp tục để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam. “Lúc này tôi ở đây, đứng tại nơi đã từng là một chiến trường khốc liệt và tôi là một người Mỹ, tôi chưa từng tham chiến tại Việt Nam nhưng tôi nghĩ rằng, tôi cần phải nói một lời xin lỗi”, giọng ông John Gordon run run khi bàn tay vẫn siết chặt lấy bàn tay bị tật của người cựu binh.

Những năm qua, những người lính cụ Hồ như ông Nam và ông On đã đón rất nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm di tích lịch sử cách mạng địa đạo Củ Chi. Theo ông Nam, mỗi năm ông tiếp khoảng 10 đoàn khách nước ngoài, trong đó có quân nhân, người trí thức, lao động Mỹ. Ông và đồng đội cảm thấy tự hào và trách nhiệm khi được kể cho họ nghe về nhân dân Việt Nam đã từng sống, chiến đấu can trường và luôn tràn đầy tình cảm với bè bạn năm châu. “Có những người cựu binh Mỹ khi quay về thăm chiến trường xưa, do chưa nắm rõ thông tin chính xác nên vẫn có sự hoài nghi. Nhưng khi gặp chúng tôi, chính sự nồng nhiệt của chúng tôi đã cho họ thấy rằng, chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ và họ cần phải hiểu rằng nhân dân Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, Việt Nam đang từng ngày phát triển tươi đẹp hơn”, ông Nam chia sẻ.

Vùng đất Củ Chi anh dũng đã từng nếm trải bom đạn ngày nào giờ đã khoác lên mình một màu áo mới, màu xanh của đổi thay. Con đường dẫn vào khu di tích địa đạo Củ Chi được bao quanh rừng cây xanh thẳm, tỏa bóng mát vào những ngày “nóng rát” của tháng 4 lịch sử. Và trong những ngày này, địa đạo đang đón rất nhiều đoàn cựu binh trong nước, các tầng lớp nhân dân và nhiều đoàn khách nước ngoài đến thăm. Có thể nói rằng, địa đạo Củ Chi là một trong những niềm tự hào và là biểu tượng hòa bình mãi trường tồn theo năm tháng của dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Anh Đức


Tọa đàm về cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam tại Pháp
Tọa đàm về cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam tại Pháp

Hội "Những người bạn của Léo Figuères" phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Việt Nam từ đấu tranh giải phóng dân tộc đến hiện nay”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN