Đó là trường hợp của người đàn ông 41 tuổi được chuyển đến từ Hải Dương có tiền sử dùng ma túy đá 4 năm. Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, tối 5/1, bệnh nhân đi chơi về và đóng kín cửa phòng. Đến sáng 6/1, gia đình gọi nhiều lần không thấy con trai trả lời, liền phá khóa vào phòng thì thấy con đang lên cơn vật vã và môi tím tái, co giật, khi đến bệnh viện cấp cứu, bệnh nhân đã ngừng tim.
Sau khi cấp cứu, tim bệnh nhân đập trở lại, các bác sĩ tuyến dưới đã chuyển nam bệnh nhân đến Trung tâm chống độc để tiếp tục điều trị trong tình trạng sốc, rối loạn nhịp tim, suy thận, rối loạn đông máu. Đặc biệt bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, với ít nhất 3 vị trí tắc mạch vành hoàn toàn và bác sĩ tim mạch phải hỗ trợ điều trị và “thông” vị trí tắc của tim. Tuy nhiên hiện tại bệnh nhân vẫn đang tiếp tục bị tổn thương cơ tim, tổn thương não rất nặng.
Bệnh nhân còn lại là Trần Thị Cẩm T. (Kiên Giang), 16 tuổi được chuyển đến Trung tâm chống độc tối 4/1 từ Hòa Bình cũng trong tình trạng ảnh hưởng tim mạch nặng nề do dùng ma tuý đá. Sau nhiều ngày điều trị, hiện bệnh nhân này đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đã tiến triển lên nhiều so với thời điểm nhập viện. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được theo dõi chức năng tim mạch.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, đây là những trường hợp điển hình của ngộ độc cấp tính ma tuý dạng kích thích. Theo nghiên cứu trên thế giới, bệnh nhân bị co mạch, loạn nhịp tim, tổn thương cơ tim hầu do ma tuý đá và trên 60% tử vong do loại ma tuý này là do tác động lên hệ tim mạch. Nhất là loại ma tuý amphetamin tồn tại dưới dạng kẹo, đá, lắc rất nguy hiểm. Đây không chỉ là một chất độc cấm được dùng trong y tế, mà việc sản xuất cũng có nhiều thành phần phức tạp, khó kiểm soát liều lượng, dùng bừa bãi nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Nếu như trước kia, Trung tâm rất hay tiếp nhận các trường hợp ngộ độc heroin (tháng nào cũng có vài ca), thì khoảng chục năm trở lại đây, số ca ngộ độc này giảm hẳn (mỗi năm chỉ còn vài trường hợp). Tuy nhiên thay vào đó là các ca ngộ độc những loại ma túy mới (là ma túy tổng hợp) như: Amphetamin và các chất cùng loại, lá Khat, cần sa, ma túy dạng thấm (LSD) có phần nhiều lên. Các trường hợp vào viện chủ yếu là người trẻ, thanh niên và cả học sinh, sinh viên.
Các ca nhập viện vì ma tuý đá trước đây, chủ yếu bệnh nhân loạn thần, ảo giác, kích thích không ghi nhận tử vong. Các chất ma túy thế hệ mới thường gây ra các triệu chứng nhiễm độc thần kinh, tim mạch, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, thận.
Về triệu chứng thần kinh, hầu hết bệnh nhân nhập viện đều có biểu hiện như: kích thích, lơ mơ, lẫn lộn, tâm thần hoang tưởng, ảo giác, có những hành vi ý tưởng nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Dùng lâu dài các chất gây nghiện này sẽ gây hệ lụy rối loạn tâm thần. Trên thực tế đã có bệnh nhân đã nhảy lầu vì bị các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng.
Bác sĩ Nguyên khuyên cáo, ngày càng có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, núp bóng dưới nhiều loại thuốc, trò chơi mà không dễ nhận biết. Vì thế, các bậc phụ huynh luôn cần để mắt tới con trẻ, kịp thời phát hiện những bất thường, phòng nguy cơ con bị lừa, bị dụ dỗ dùng các chất gây nghiện nguy hiểm. Bác sĩ Nguyên cũng cảnh báo hiểm họa của bóng cười đến sức khỏe người sử dụng như có thể gây tổn thương não, thần kinh nghiêm trọng...