Lâm Đồng hiện có 78 xã, 478 thôn, tổ dân phố là vùng dân tộc thiểu số với 46 dân tộc thiểu số cùng nhau chung sống. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh.
Triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc tiểu số, qua bình chọn tại các địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận 448 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, 91 người là Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng ban Mặt trận thôn và Trưởng thôn; 20 người là chức sắc các tôn giáo; 28 cán bộ về hưu; l8 doanh nhân; 7 trưởng dòng họ; 108 già làng. Cụ Liêng Hót Ha Chong, 93 tuổi, người dân tộc K’Ho ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông là người cao tuổi nhất; người trẻ tuổi nhất là chị Cil Ka Hạnh, 34 tuổi, người dân tộc K’Ho ở xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng.
Người có uy tín trong tỉnh được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định như được cấp các loại báo; tham dự các lớp tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin về tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng của tỉnh, huyện. Người có uy tín được đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, được tham gia vào các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện tại địa phương. Người có uy tín còn được thăm hỏi, tặng quà mỗi năm 2 lần; thăm hỏi, hỗ trợ khi bị ốm đau, gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn, thăm viếng khi có người thân qua đời...
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm qua thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào dân tộc thiểu số trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; vận động đồng bào phát triển kinh tế - xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, khối đại đoàn kết dân tộc.
Theo thống kê sơ bộ, trong khoảng 10 năm trở lại đây, người có uy tín trong tỉnh tham gia hòa giải trên 1.800 cuộc; cảm hóa 648 đối tượng hòa nhập cộng đồng; tham gia tố giác trên 100 tội phạm; vận động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm 287 cuộc. Người có uy tín đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, phản bác tin đồn xấu phục vụ yêu cầu công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương; tham gia đầy đủ cuộc họp, đề xuất nhiều ý kiến hay với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá: Tỉnh có hơn 1,2 triệu dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 25,72%, tương đương hơn 1/4 so với tổng dân số. Với đặc thù đó, thời gian qua, người có uy tín trên địa bàn toàn tỉnh đã giúp Đảng bộ, chính quyền các cấp nhất là cấp chính quyền cơ sở triển khai hiệu quả những kế hoạch, nghị quyết, mục tiêu... Phát huy vai trò của mình, người có uy tín đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các phong trào về mọi mặt. 448 điển hình tiên tiến được tuyên dương là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho thôn, buôn, khu phố nơi mình sinh sống. Dù ở độ tuổi nào, họ cũng đều nêu cao tinh thần gương mẫu.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở kịp thời cung cấp thông tin cho người có uy tín, Ban Dân tộc phối hợp cùng ngành liên quan hướng dẫn người có uy tín về kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng; tiếp tục phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong vùng dân tộc thiểu số. Các đơn vị có các hình thức phù hợp để động viên, khích lệ người uy tín cả về vật chất lẫn tinh thần; kịp thời phát hiện để khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong đội ngũ người có uy tín toàn tỉnh.
Người có uy tín, tiếp tục phát huy vai trò nêu gương sáng, góp phần tích cực cùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động nhân dân không tin, không nghe, không làm việc cho kẻ xấu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là thực hiện nếp sống văn minh, không vi phạm pháp luật... Cùng với kiến thức được Đảng, chính quyền và các mặt trận đoàn thể cung cấp, mỗi người cũng tự trang bị kiến thức để phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình.
Tại Hội nghị, tỉnh Lâm Đồng tôn vinh 106 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thành tích tiêu biểu trong giai đoạn 2021 - 2023; trao tặng bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 8 người, Giấy khen của Trưởng ban Dân tộc cho 90 người có thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ giữ gìn khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương những năm qua…