Đây cũng là dịp để tuyển chọn thí sinh có năng lực vào Đội tuyển quốc gia tham dự Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN lần thứ 13 tại Singapore và Kỳ thi Kỹ năng nghề Thế giới lần thứ 46 tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Cùng với việc đổi tên thành Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia (thay cho tên gọi Kỳ thi Tay nghề Quốc gia), năm nay, việc tổ chức thi có nhiều điểm mới gắn với việc triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Tiệm cận với chuẩn kỹ năng nghề ASEAN
Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ XI thu hút sự tham gia tranh tài của hơn 500 thí sinh ở 34 nghề (31 nghề chính thức và 3 nghề trình diễn). Đây là kỳ thi có số nghề thi nhiều nhất từ trước đến nay, tăng thêm 8 nghề so với Kỳ thi Tay nghề Quốc gia năm 2010. Trong đó, 7 nghề lần đầu tiên được tổ chức thi là: Phay CNC; Tiện CNC, Dịch vụ lễ tân; Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội; Điều khiển công nghiệp (nghề trình diễn); Thiết kế thời trang kỹ thuật số (nghề trình diễn) và Công nghệ nước (nghề trình diễn).
Để triển khai Kỳ thi, Ban Tổ chức đã thành lập 6 Hội đồng thi quốc gia tại các bộ: Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội. Kỳ thi được tổ chức tại hai địa điểm: thành phố Hà Nội và tỉnh Lạng Sơn.
Năm nay, kỳ thi có nhiều điểm mới như: thời gian làm bài thi tăng lên không quá 15 tiếng (thay vì không quá 8 tiếng như trước) để tiệm cận với kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN. Quy trình đánh giá, chấm điểm bài thi đã bổ sung, chỉnh sửa theo quy định mới nhất của Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới như: quy định cụ thể về xác nhận, nhập điểm vào hệ thống CIS theo thời hạn cụ thể và khóa điểm ngay sau khi nhập điểm để không thể sửa được sau khi khóa hệ thống CIS.
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Với nhiều quy định mới, Kỳ thi năm nay đòi hỏi rất cao ở đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, đặc biệt là các chuyên gia trưởng, chuyên gia phó các nghề. Bên cạnh chuyên môn, Kỳ thi khuyến khích các chuyên gia kỹ thuật sử dụng ngoại ngữ tham chiếu các quy định tại Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN, thế giới trong việc xử lý chuyên môn...
Ứng dụng nhiều công nghệ mới
Trọng tâm của Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia 2020 là nhóm các nghề công nghệ 4.0, như: Robot di động, Kết nối vạn vật - IOT, Tự động hóa công nghiệp..., bởi đây sẽ trở thành định hướng mới trong đào tạo của các trường nghề. Bên cạnh đó, các nghề đã có mặt từ lâu trong các Kỳ thi tay nghề quốc gia cũng có sự thay đổi với việc ứng dụng công nghệ mới, đòi hỏi phức tạp hơn...
Ông Đặng Đình Vệ, Trường Cao đẳng Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh, Trưởng Tiểu ban giám khảo nghề Ốp lát tường và sàn cho biết: Thực hiện quy chế mới của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ngay từ khâu ra đề đã được cập nhật một số kỹ năng mới. Thời lượng của đề thi cũng tăng lên, đòi hỏi phức tạp hơn, ứng dụng công nghệ, thiết bị, máy móc vào đề thi cũng khác đi. Đề thi nghề Ốp lát tường và sàn năm nay được thiết kế làm 3 modul, mỗi một modul thể hiện một kỹ năng khác nhau. Trong thời gian 12 giờ, các thí sinh phải thể hiện các kỹ năng: khai triển từ bản vẽ thiết kế của đề thi, lấy dấu và cắt gạch, sau đó thực hiện thao tác ốp, lát để tạo các hình theo các yêu cầu của đề thi. Nhu cầu kỹ thuật ngày càng cao, nhu cầu về máy móc thiết bị ngày càng tiên tiến. Những cuộc thi như thế này tạo cho các thí sinh một kỹ năng nghề rất tốt.
Chuyên gia Nguyễn Quang Huy, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Trưởng Tiểu ban giám khảo nghề Lắp đặt điện chia sẻ: Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc điều khiển điện ở các tòa nhà rất được chú trọng. Đề thi năm nay có sự đổi mới rất lớn so với đề thi năm trước; bổ sung công nghệ điều khiển mới hơn, nhiều thiết bị điều khiển hơn, áp lực về khối lượng, chất lượng công việc cao hơn. Điển hình như, đề thi nghề Lắp đặt điện được quy định là 15 tiếng (thay vì 8 tiếng như những kỳ thi trước), trong đó đòi hỏi nhiều kỹ năng mới. Nếu trước đây, các kỹ năng tập trung vào việc lắp đặt các mạch điều khiển dân dụng nhưng hiện giờ, các thí sinh tham gia thi phải có các kỹ năng như: phân tích nhu cầu của khách hàng; thiết kế mạch điện, bao gồm cả các kỹ năng thẩm mỹ để đáp ứng các nhu cầu khách hàng trong dân dụng; đi dây và đấu nối; đặc biệt là lập trình, điều khiển nhà thông minh...
Thay đổi nhận thức về học nghề lập nghiệp
Cũng như các kỳ thi trước, công tác tuyên truyền về học nghề, hướng nghiệp cho học sinh của các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông cũng được Ban Tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia chú trọng, quan tâm, thể hiện qua các hoạt động như: tạo điều kiện cho học sinh phổ thông đến các Hội đồng thi quan sát, giao lưu với các thí sinh dự thi, giúp các em có thay đổi nhận thức về việc học nghề lập nghiệp.
Ông Bùi Hồng Huế, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, Phó Chủ tịch Hội đồng thi số 3 cho rằng, việc đưa học sinh các trường phổ thông đến tham quan tại các Trường đăng cai tổ chức tổ chức kỳ thi là cơ hội tốt nhất để có thể quảng bá, giới thiệu hình ảnh về nghề nghiệp cho các em.
Hoạt động hướng nghiệp này hàng năm đều được Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị phối hợp với các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trên địa bàn tổ chức, giúp học sinh có dịp tham quan, trải nghiệm các kỹ năng nghề nghiệp. Ví dụ như nhắc đến nghề Hàn, nhiều em nghĩ đến ngay công việc hàn xì cửa xếp. Nhưng khi đến nơi tham quan, trải nghiệm, các em sẽ thấy công việc này giờ đã áp dụng công nghệ cao, có thể điều khiển trên máy tính, xử dụng robot hàn. Điều này sẽ giúp các em hiểu được nghề nghiệp này không chỉ đơn thuần là làm thợ, mà còn cần đến cả trí tuệ - ông Bùi Hồng Huế nói.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, việc tổ chức tham quan cho học sinh, đặc biệt là các học sinh phổ thông có tác động rất lớn trong việc định hướng nghề nghiệp. Phần lớn các em đang ngồi trên ghế nhà trường chưa hình dung cụ thể các nghề nghiệp diễn ra như thế nào, gồm những công việc nào... Các hoạt động tham quan này giúp các em định hướng tốt hơn, có cái nhìn tổng thể hơn, thấy quá trình công việc, kết quả đạt được, cũng như tương lai, xu hướng nghề nghiệp. Đối với việc hướng nghiệp học sinh phổ thông, cần khuyến khích học sinh, đặc biệt là cấp học Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông đến tham quan, xem các thí sinh trình diễn các kỹ năng, tổ chức, triển khai, đáp ứng được công việc, qua đó giúp học sinh định hình được công việc của mình trong tương lai.
Em Trần Ngọc Huyền, học sinh lớp 9C, Trường Trung học Cơ sở Yên Thường ( huyện Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: Ở trường, em mới chỉ được học qua lý thuyết. Vì vậy, việc tham quan tại Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị giúp em được trải nghiệm các công việc một cách sống động, thực tế. Qua đó, em thấy rõ hơn các công việc như: đúc hàn, xây dựng, lắp đặc mạch điện... là các công việc cầu kỳ, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ cao để đem lại kết quả cao nhất cho công việc. Các hoạt động trải nghiệm như thế này đem lại nhiều lợi ích, giúp em hiểu biết hơn, học hỏi được nhiều hơn...
Khẳng định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong những nỗ lực chung nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của khu vực và thế giới, tính đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức được 11 kỳ thi nghề quốc gia; lựa chọn thí sinh tham gia 10 Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và 7 Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới. Thông qua các kỳ thi kỹ năng nghề, bên cạnh việc tôn vinh những lao động trẻ có trình độ kỹ năng nghề cao, tạo không khí thi đua sôi nổi trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện kỹ năng tại các nhà trường, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với phương châm: Nguồn nhân lực lao động kỹ năng, không ngừng cập nhật kiến thức và đổi mới công nghệ. Đây cũng là cơ hội để truyền thông, nâng cao nhận thức của
xã hội về vai trò quan trọng của kỹ năng lao động trong thế giới đang chuyển đổi nhanh chóng.
Việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm nay càng có ý nghĩa hơn khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 1486/QĐ-TTg chọn ngày 4/10 hằng năm là "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam". Có thể nói, từ Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư ngày 6/6/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, đến Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới và đến nay là Quyết định 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quan tâm, nguồn động viên to lớn đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; khẳng định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định: Thông qua các thành tích đáng ghi nhận của Đoàn thí sinh Việt Nam tại các Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới đã thể hiện khả năng thích ứng tốt với khoa học công nghệ tiên tiến, trình độ kỹ năng nghề ngày càng được nâng lên của lao động Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh tình hình mới với thị trường lao động, việc làm có nhiều thay đổi cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của lực lượng lao động trực tiếp, những lao động có kỹ năng đối với sự phát triển của xã hội toàn cầu. Vì vậy, lực lượng lao động có kỹ năng cần được tôn vinh, coi trọng.