Hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem xét, quyết định và ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cũng như ban hành theo thẩm quyền để tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ, cụ thể như: Tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân), tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Dự kiến, các giải pháp này thực hiện trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó: Số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn dự kiến khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính làm rõ đối tượng được thụ hưởng, tránh tình trạng “không bị tác động của đại dịch vẫn được thụ hưởng từ chính sách”.
“Trên thực tế có những vùng, lĩnh vực không bị tác động bởi đại dịch COVID-19, thậm chí được hưởng lợi, có điều kiện phát triển hơn như sản xuất khẩu trang, thiết bị vật tư y tế, ngành nghề thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến... Trong khi đó, nguyên tắc thuế là tiền khai, hậu kiểm; chúng ta chỉ hỗ trợ đúng, trúng những đối tượng bị tác động. Sau khi kê khai, cơ quan thuế sẽ cho các doanh nghiệp hưởng và sẽ hậu kiểm lại”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Thư kêu gọi ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 16/9, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tiểu ban Vận động và huy động xã hội thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức chương trình tiếp tục đợt vận động “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19”.
Tại Chương trình, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tiểu ban Vận động và huy động xã hội, ông Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Vận động và huy động xã hội, đã kêu gọi và phát động tiếp tục đợt vận động “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại Bình Dương về công tác phòng, chống dịch
Chiều 16/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương và kiểm tra trực tiếp công tác phòng, chống dịch tại thành phố Thủ Dầu Một sau khi địa phương này trở lại trạng thái bình thường mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh chú ý ưu tiên những loại hình thiết yếu sẽ được mở cửa khi bình thường mới. Tuy nhiên hiện còn một số loại hình khác với nhiều người dân phụ thuộc vào để mưu sinh, do đó tỉnh nên cân nhắc trên tinh thần an toàn thì cho hoạt động trở lại.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục quan tâm đến việc giữ vững thành quả đạt được tại các vùng xanh, nhất là nhà máy xanh, nhà trọ xanh, công nhân xanh. Tỉnh hướng dẫn F0 cách ly tại nhà, y tế theo dõi sát F0 tại nhà để kịp thời chuyển bệnh nhân đến bệnh viện điều trị khi chuyển biến nặng. Tỉnh quan tâm đến chế độ chính sách, đồ bảo hộ cho đội ngũ tuyến đầu tham gia chống dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét nghiệm, quản lý bệnh nhân.
Phó Thủ tướng mong rằng đến ngày 20/9, tỉnh kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh tại các vùng đỏ, điểm đỏ để chuyển sang thành vùng xanh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới trong điều kiện an toàn.
Ngày 16/9, Việt Nam ghi nhận 10.489 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 5.750 ca nặng đang điều trị
Ngày 16/9, Việt Nam ghi nhận 10.489 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; có 5.750 ca nặng đang điều trị, cả ngày có 234 ca tử vong.
Tính từ 17 giờ ngày 15/9 đến 17 giờ ngày 16/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.489 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, gồm 7 ca nhập cảnh và 10.482 ca ghi nhận trong nước.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.750 ca.
Trong ngày 16/9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên hệ thống ghi nhận 234 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (160 ca), Bình Dương (46 ca), Long An (10 ca), Tiền Giang (6 ca), Nghệ An (3 ca), Tây Ninh (2 ca), Bến Tre (2 ca), Thanh Hóa (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Kiên Giang (1 ca), Cà Mau (1 ca), Hà Nội (1 ca). Bổ sung 5 ca tử vong tại Tiền Giang (3 ca), Kiên Giang (2 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 256 ca.
Điểm bán lẻ 'vùng xanh' TP Hồ Chí Minh bắt đầu mở cửa phục vụ khách hàng
TP Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo phương châm “triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp trên từng địa bàn cụ thể” từ ngày 0 giờ ngày 16/9 đến hết ngày 30/9/2021.
Do đó, nhiều nhà bán lẻ, chợ đầu mối... tại "vùng xanh" trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đang chuẩn bị sẵn sàn phục vụ khách hàng và đảm bảo những quy định mới về phòng chống dịch.
Hệ thống siêu thị “vùng xanh” của Saigon Co.op hiện đang tăng cường giám sát 5K, khai báo y tế chặt chẽ và chuẩn bị sẵn phương án điều tiết khách hàng ra vào, nhằm đảm bảo khu mua sắm chung được đảm bảo quy định về giãn cách. Một số siêu thị còn thực hiện thêm phương thức đi chợ theo yêu cầu và giao cho khách tại cửa siêu thị (pick & ship), sẵn sàng phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân thành phố.
Tương tự, nhiều hệ thống bán lẻ khác tại "vùng xanh" ở Tp. Hồ Chí Minh gồm: LOTTE Quận 7, GO! Nguyễn Thị Thập, Bách hóa Xanh... cũng đã công bố mở cửa bán hàng trở lại và tuân thủ khung giờ hoạt động theo quy định của chính quyền địa phương. Hầu hết hệ thống bán lẻ này đều tăng cường đảm bảo môi trường an toàn cho khách hàng như yêu cầu người dân tham gia mua sắm thực hiện 5K, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt... Riêng đội ngũ nhân viên, người lao động tại điểm bán lẻ ưu tiên đã tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 và trang bị đầy đủ biện pháp phòng chống dịch.
600 cán bộ, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ hỗ trợ tỉnh Kiên Giang chống dịch
Ngày 16/9, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức Lễ xuất quân, tiễn Đoàn cán bộ, đoàn viên và sinh viên lên đường hỗ trợ tỉnh Kiên Giang trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Đoàn hỗ trợ tỉnh Kiên Giang chống dịch gồm 600 cán bộ, sinh viên y dược từ khóa 42 đến khóa 46, thuộc các ngành học của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tham gia tình nguyện theo lời kêu gọi và chỉ đạo của Bộ Y tế. Thành Đoàn Cần Thơ hỗ trợ 10 cán bộ, đoàn viên tham gia Đoàn công tác trong khâu hậu cần.
Các cán bộ, sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ sẽ hỗ trợ tỉnh Kiên Giang trong công tác lấy mẫu cộng đồng, test nhanh và xét nghiệm PCR tại 5 huyện, thành phố gồm: Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và Hà Tiên.
Hà Nội mở rộng 'vùng xanh' tiến nhanh tới bình thường mới
Từ 12 giờ ngày 16/9, có 19 quận, huyện của thành phố Hà Nội được mở lại kinh doanh các mặt hàng, vật liệu xây dựng, kim khí, đồ gia dụng, sản xuất nông nghiệp..., cho thấy mục tiêu "bình thường mới" đang tới gần với Hà Nội hơn.
Tính đến ngày 15/9, Hà Nội chỉ còn hơn 60 điểm cách ly y tế, thành phố đang tiến tới trạng thái "bình thường mới". Qua những số liệu trên cho thấy, Hà Nội đang đi đúng hướng trong phòng, chống dịch COVID-19. Sau khi tình hình dịch bớt nóng, thành phố đã có chi đạo các địa phương thuộc “vùng xanh”, xây dựng kế hoạch tránh để đứt gẫy chuỗi sản xuất.
Huyện Gia Lâm là địa phương sớm nhất thành phố thực hiện chia nhỏ “vùng xanh” để cho sản xuất trở lại. Đến này 16/9, toàn huyện Gia Lâm đã có 105 doanh nghiệp xây dựng phương án phòng chống dịch và được UBND huyện phê duyệt cho hoạt động trở lại. Theo đó, đã có 2.553 lao động có việc làm và thu nhập. Tất cả số lao động trên tại các công ty đi làm trở lại đều đã được tiêm 1 mũi vaccine.
Ngoài số doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động trở lại, tại Gia Lâm nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất suốt các tháng qua, ngay cả lúc Hà Nội dịch bùng phát mạnh nhất. Có thể kể đến, Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam đóng trên địa bàn xã Dương Xá, chuyên sản xuất các loại đèn và thiết bị chiếu sáng của ô tô, xe máy, các sản phẩm điện tử, khuôn mẫu cho các hãng xe.