Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới
Chiều 24/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Cùng tham dự cuộc điện đàm có ông Takeshi Kasai, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới.
Thủ tướng cũng đề nghị Tổ chức Y tế thế giới ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương. Thủ tướng nhấn mạnh năng lực của ngành y tế Việt Nam cũng như tiềm lực của một số doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất vaccine đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Thủ tướng hoan nghênh đề xuất của Tổng Giám đốc về việc cử chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao thành công của Việt Nam trong thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là các biện pháp chủ động, sáng tạo, ứng phó linh hoạt với tình hình. Sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần vào nỗ lực phòng, chống dịch hiệu quả để Việt Nam thực sự trở thành mô hình chống dịch hiệu quả trên thế giới, được Tổ chức Y tế thế giới phổ biến rộng rãi.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảm ơn và hoan nghênh sự hỗ trợ của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế trong phòng, chống dịch, cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cam kết đóng góp 500.000 USD cho chương trình COVAX. Ông đặc biệt cảm kích khi Việt Nam đã tiếp nhận, điều trị khẩn cấp, thành công cho nhân viên Liên hợp quốc mắc COVID-19 vừa qua.
Trong ngày 24/6, Việt Nam ghi nhận thêm 285 ca mắc mới
Tính đến 18 giờ ngày 24/6, Việt Nam có tổng cộng 12.506 ca ghi nhận trong nước và 1.726 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 10.936 ca, trong đó có 2.985 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 15 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong nước.
Đồng Nai cần chủ động ngăn chặn, không để dịch bệnh xâm nhập
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vào sáng 24/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu các lực lượng bình tĩnh, chủ động ngăn chặn, không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kiểm soát chặt không có nghĩa "ngăn sông cấm chợ", cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát người qua lại trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh khai báo y tế, đặc biệt đối với công nhân, lái xe chở hàng, lái xe đường dài… Tương tự, Đồng Nai phải có giải pháp quản lý lịch trình cụ thể của công nhân từng phân xưởng, nhà máy, nhất là những người đang sinh sống ở nơi khác, làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong trường hợp dịch bệnh xuất hiện, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thống nhất khoanh gọn ngay từ đầu, làm nhanh, bảo đảm đầy đủ phương tiện, vật chất để lực lượng y tế yên tâm, tập trung công tác chuyên môn chống dịch.
Nhấn mạnh tinh thần chỉ đaọ phân cấp, phân quyền rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết, với chủng mới của virus SARS-CoV-2, Đồng Nai cần bàn kỹ lưỡng các tình huống, để bình tĩnh, chủ động, sẵn sàng phòng, chống dịch; căn cứ vào thực tiễn, quyết định khoanh vùng gọn, nghiêm ngặt, tập trung toàn lực để dập dịch.
"Tuyệt đối tránh tình trạng, bên ngoài phong tỏa nghiêm ngặt, bên trong lại "lùng nhùng" do không có đủ lực lượng để quản lý", Phó Thủ tướng lưu ý.
Phúc thẩm vụ CDC Hà Nội: Đề nghị giữ nguyên hình phạt sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Nhật Cảm
Chiều 24/6, trước khi bước vào phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra quan điểm đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội).
Trình bày quan điểm tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đánh giá, bản án mà Tòa sơ thẩm tuyên phạt là có căn cứ, đúng quy định, không oan.
Đối với bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (nguyên Giám đốc CDC Hà Nội), đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Cảm có vai trò cao nhất, chịu trách nhiệm của người đứng đầu, khởi xướng và trực tiếp bàn bạc, ấn định giá thiết bị tham gia thầu. Bị cáo Cảm có học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sỹ, trong quá trình điều tra xét xử đã thành thật khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo Cảm chưa hưởng lợi vật chất từ vụ án, được CDC Hà Nội và đồng nghiệp nhiều nơi gửi đơn đề nghị Tòa phúc thẩm giảm hình phạt.
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, mức hình phạt sơ thẩm 10 năm tù đối với bị cáo Cảm là có căn cứ, tương xứng với hành vi, mức độ phạm tội; đây là mức thấp nhất của khung hình phạt. Do đó, mặc dù có nhiều đơn xin giảm nhẹ, nhưng chưa có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho nguyên Giám đốc CDC Hà Nội.
TP Hồ Chí Minh không để người lao động mất việc, gặp khó khăn trong mùa dịch COVID-19
"TP Hồ Chí Minh cần cố gắng tối đa duy trì sản xuất, kinh doanh, không để người lao động mất việc, lâm vào khó khăn, cùng cực trong mùa dịch bệnh COVID-19", ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tại Kỳ họp thứ nhất HĐND TP Hồ CHí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, khai mạc ngày 24/6.
Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, bên cạnh việc bầu thành công nhân sự chủ chốt của Thành phố với các chức danh Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh... kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh lần này cũng sẽ bàn và quyết định một số chủ trương, chính sách quan trọng như thông qua nghị quyết về chế độ, chính sách đặc thù phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch...
Trước đó, 230.000 người bán vé số, hàng rong, thu gom rác, bốc vác... ở TP Hồ Chí Minh bị mất việc do COVID-19 được UBND Thành phố đề xuất hỗ trợ, với tổng kinh phí khoảng 345 tỷ đồng. Nếu được HĐND Thành phố thông qua trong kỳ họp này, mỗi đối tượng sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được hơn 8.000 tỷ đồng
Theo Kho bạc Nhà nước, tính đến 17 giờ chiều 24/6, số tiền đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 7.523 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi). Nếu tính cả số tiền cam kết sắp chuyển vào Quỹ là 547, tỷ đồng, số tiền ủng hộ Quỹ vaccine có hơn 8.000 tỷ đồng.
Hiện, chỉ còn 32 đơn vị và tổ chức cam kết ủng hộ Quỹ phòng vaccine nhưng chưa chuyển hoặc mới chuyển một phần tiền.
Việt Nam ghi nhận hai ca tử vong cao tuổi có bệnh lý nền nặng, liên quan đến COVID-19
Ngày 24/6, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo 2 ca tử vong số 71 và 72, đều là những bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền nặng, liên quan đến COVID-19.
Ca tử vong 71: BN13082, nam, 88 tuổi, địa chỉ tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp.
Ca tử vong 72: BN11081, nam 82 tuổi, có địa chỉ tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, gout, đái tháo đường
Phú Yên: Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với hàng trăm nhân viên y tế
Sau khi Bộ Y tế công bố ca mắc COVID-19 là bệnh nhân số 13960 có liên quan đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên và Phòng khám đa khoa Đức Tín, Sở Y tế Phú Yên đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với tất cả nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở này.
Theo bác sỹ Phạm Hiếu Vinh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, ngay trong tối 23/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên đã lấy mẫu xét nghiệm đối với 284 người đang làm việc tại bệnh viện. Trong đó, có 34 người ở Khoa Cấp cứu và Khoa Thần kinh - Nội tiết (nơi bệnh nhân 13960 đến và điều trị từ 23 giờ 30 phút ngày 21/6 đến 7 giờ ngày 22/6) đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Những người còn lại đang chờ kết quả.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho 72 nhân viên y tế ở Phòng khám đa khoa Đức Tín và đang chờ kết quả.
Ngành Y tế đang khẩn trương xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhân viên y tế. Theo ghi nhận của phóng viên tại Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên, trong ngày 24/6 dự kiến sẽ có 500 nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Đây là những người không tham gia điều trị cho bệnh nhân 13960, đang ở nhà chưa vào bệnh viện làm việc từ khi có lệnh tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân mới (trừ trường hợp cấp cứu và chạy thận nhân tạo).
Tây Ninh: Thần tốc truy vết F1, F2 trong và ngoài KCN Thành Thành Công
Ngày 24/6, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh chủ trì cuộc họp đột xuất trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các huyện, thị xã, thành phố triển khai khẩn cấp biện pháp phòng, chống dịch sau khi phát hiện thêm 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Winga Việt Nam trong khu công nghiệp Thành Thành Công trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh Nguyễn Văn Cường cho biết, sau khi lấy 395 mẫu test tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Winga Việt Nam gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả sáng 24/6, ngành y tế ghi nhận 5 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 tại công ty này. Ngành y tế đang lấy mẫu xét nghiệm đối với hơn 600 người làm chung phân xưởng liên quan đến các trường hợp dương tính kể trên.