Tổng hợp COVID-19 ngày 4/11: Nhiều tỉnh đổi màu cấp độ dịch; công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine

Trong ngày 4/11, dư luận quan tâm đến thông tin nổi bật về các ca lây nhiễm trong cộng đồng như: Việt Nam ghi nhận 6.580 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nhiều tỉnh đổi màu cấp độ dịch; Đẩy nhanh công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine phòng COVID-19; Số ca mắc COVID-19 tại Bình Dương tăng cao trở lại; Hà Nội ghi nhận 104 ca F0, trong đó có 64 ca cộng đồng…

Ngày 4/11, Việt Nam ghi nhận 6.580 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nhiều tỉnh đổi màu cấp độ dịch

Tính từ 16 giờ ngày 3/11 đến 16 giờ ngày 4/11, Việt Nam ghi nhận 6.580 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; các tỉnh Bình Dương, Đắk Lắk, Kiên Giang có số mắc tăng cao nhất trong ngày.

Chú thích ảnh
Phong tỏa cục bộ khu vực Khóm 6, Phường 2, thành phố Vĩnh Long do phát hiện ca mắc COVID-19. 

Trong số các ca nhiễm mới có 4 ca nhập cảnh và 6.576 ca ghi nhận trong nước (tăng 401 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 2.889 ca trong cộng đồng).

Từ 17 giờ 30 ngày 3/11 đến 17 giờ 30 ngày 4/11, cả nước ghi nhận 59 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (28), Bình Dương (13), Đồng Nai (3), Tiền Giang (3), Long An (2), Kiên Giang (2), Cần Thơ (2), Trà Vinh (2), Bạc Liêu (1), Đắk Lắk (1), Hà Nội (1), Ninh Thuận (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 62 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.342 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

Đẩy nhanh công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine phòng COVID-19

Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến vào chiều 4/11, chia sẻ thông tin liên quan đến tiêu chí công nhận hộ chiếu vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam và khả năng công nhận lẫn nhau, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine phòng COVID-19 của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.

Chú thích ảnh
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: TTXVN.

Theo đó, người mang các giấy tờ này có thể sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.

Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đã giới thiệu chính thức mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 được cập nhật thường xuyên tại Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự của Bộ Ngoại giao. Những người đến từ các nước và vùng lãnh thổ chưa giới thiệu chính thức với Việt Nam mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19, có thể liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại để hợp pháp hóa và xác nhận các giấy tờ nói trên.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cũng nhấn mạnh, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời trước khi Việt Nam chính thức công nhận hộ chiếu vaccine phòng COVID-19 của nước ngoài. Để được công nhận chính thức, hộ chiếu vaccine phòng COVID-19 nước ngoài cần đáp ứng bộ tiêu chí công nhận và sử dụng hộ chiếu vaccine phòng COVID-19 của các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam đã được lãnh đạo Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể là về loại vaccine phòng COVID-19, Việt Nam chấp nhận các loại vaccine phòng COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) hoặc Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Về hình thức, mẫu hộ chiếu vaccine phòng COVID-19 phải được cấp đồng thời trên môi trường điện tử và bản giấy phải mang mã xác thực. Các quốc gia, vùng lãnh thổ cấp cần có hệ số an toàn cao, tỷ lệ tiêm chủng rộng rãi.

Theo Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang cân nhắc việc mở rộng đối tượng nhập cảnh Việt Nam để áp dụng vào thời điểm thích hợp, tiến tới sớm nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế như thường lệ.

Bộ Ngoại giao cũng đang khẩn trương trao đổi với 80 đối tác để đẩy nhanh việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine phòng COVID-19.

Ngày 4/11, Hà Nội ghi nhận 104 ca F0, trong đó có 64 ca cộng đồng

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 3/11 đến 18 giờ ngày 4/11, Hà Nội ghi nhận 104 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 64 ca cộng đồng, 31 ca trong khu cách ly và 9 ca ở khu phong tỏa.

Các ca nhiễm mới phân bố theo quận, huyện: Ba Đình (21), Gia Lâm (15); Hà Đông (12); Mê Linh (12); Quốc Oai (9); Hoàng Mai (6); Long Biên (5); Nam Từ Liêm (4); Bắc Từ Liêm (4); Hai Bà Trưng (4); Đông Anh (3); Cầu Giấy (2); Thanh Xuân (2); Tây Hồ (1); Sóc Sơn (1); Đống Đa (1); Quốc Oai (1); Hoài Đức (1).

Các ca cộng đồng phân bố theo theo chùm như sau: Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (21 ca); chùm liên quan ổ dịch đường Bưởi, Cống Vị (16 ca); chùm liên quan ổ dịch Phú La – Hà Đông (9 ca); chùm liên quan các tỉnh có dịch (2 ca); chùm liên quan ổ dịch Thủ Lệ, Ngọc Khánh (5 ca); chùm sàng lọc ho sốt (3 ca); chùm ổ dịch Nam Dư, Lĩnh Nam (1 ca).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 4.692 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.801 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.891 ca.

Số ca mắc COVID-19 tại Bình Dương tăng cao trở lại

Ngày 4/11, Bình Dương ghi nhận 948 ca mắc COVID-19, tăng 23,9% so với ngày 3/11; 13 người tử vong. Số ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa (64,6%) và qua sàng lọc cộng đồng (10,7%).

Hiện tỉnh đang điều trị cho 4.7 bệnh nhân (trong cơ sở điều trị là 2.304 bệnh nhân; điều trị tại nhà là 2.434 bệnh nhân). Số bệnh nhân có triệu chứng nặng (thở máy, thở oxy…) là 244 bệnh nhân.

Hiện tỉnh đang có 517 điểm/khu vực phong tỏa với 20.007 người. Số cơ sở cách ly tập trung (hiện nay đã chuyển thành khu điều trị tầng 1) là 14 cơ sở và 153 trạm y tế lưu động được thành lập, trong đó có 31 trạm y tế lưu động trong khu/cụm công nghiệp.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành công văn về các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định các hoạt động kinh doanh, buôn bán ứng với từng cấp độ dịch.

Tuy nhiên, sau thời gian ngắn cho phép mở cửa hoạt động trở lại, bên cạnh nhiều chủ cơ sở kinh doanh, người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp “thích ứng an toàn” để sống chung với dịch thì vẫn còn một bộ phận chủ kinh doanh, người dân còn chủ quan, lơ là đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến số ca F0 tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Từ ngày 5/11, Lào Cai dự kiến tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi

Lào Cai dự kiến triển khai tiêm vacine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi cư trú tại địa bàn từ ngày 5/11.

Cụ thể, trẻ từ 12 - 17 tuổi cư trú trên địa bàn tỉnh Lào Cai thuộc các trường học công lập và ngoài công lập, các cơ sở bảo trợ xã hội, các địa phương sẽ được tiêm theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm cho nhóm 16-17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine. Lào Cai sử dụng vaccine được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi 12-17, theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vaccine sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng.

Lào Cai sẽ thành lập các tổ tiêm chủng lưu động tổ chức tiêm tại các trường học cho học sinh đảm bảo các điều kiện trang thiết bị đáp ứng công tác an toàn tiêm chủng, công tác phòng chống dịch COVID-19. Đối với trẻ em không đi học, địa phương thành lập các điểm tiêm cố định theo cụm xã tại Trạm Y tế hoặc Phòng Khám Đa khoa khu vực. Các huyện, thị xã, thành phố duy trì điểm tiêm cố định tại Bệnh viện Đa khoa và bảo đảm trẻ em phải được tiêm ở các cơ sở y tế.

UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu, các điểm tiêm chủng trong thời gian triển khai tiêm chủng phải duy trì thường trực cấp cứu, xử trí các trường hợp phản ứng, tai biến do tiêm chủng. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện phải bố trí tối thiểu 5 giường hồi sức cấp cứu/điểm tiêm để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng khác phải bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết; Phải thực hiện "5K", giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch tại các điểm tiêm chủng.

XC/Báo Tin tức
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kiểm soát phòng chống dịch
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kiểm soát phòng chống dịch

Trong những tháng cuối năm, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra, xử lý các phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa vi phạm các quy định về phòng chống dịch COVID-19 theo các chỉ đạo của Trung ương, UBND Thành phố và Sở GTVT Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN