Sáng 15/1, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP Hồ Chí Minh) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác năm 2019.
Trung tá Huỳnh Trung Phong (Trưởng phòng PC08) cho biết, trong năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 3.643 vụ tai nạn giao thông, làm 702 người chết, 2.517 người bị thương. Lực lượng CSGT đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm đối với 562.575 trường hợp.
“Để thực hiện có hiệu quả cao điểm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng; từ ngày 16/1 đến 15/2, Phòng CSGT sẽ triển khai thực hiện đợt ra quân xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất kích thích đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đối tượng tập trung xử lý trong đợt ra quân là người điều khiển phương tiện ô tô chở khách, ô tô tải chở hàng hóa, ô tô con… tại các khu vực như bến xe Miền Đông, Miền Tây, các cảng vận tải hàng hoá có lượng xe khách, container, xe tải nặng thường xuyên hoạt động”, Trung tá Phong cho biết thêm.
Cũng theo Trung tá Phong, đợt ra quân xử lý được tổ chức hàng ngày và chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1, Phòng CSGT sẽ phối hợp với lực lượng công an các quận, huyện thực hiện tuần tra, kiểm soát công khai về nồng độ cồn, chất kích thích. Khi phát hiện người điều khiển phương tiện có dấu hiệu sử dụng chất kích thích (ma túy hoặc các chất tương tự), sẽ phối hợp với sở y tế xác định chất kích thích trong máu và bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.
Giai đoạn 2, phối hợp với công an và Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện kiểm tra chất kích thích đối với tài xế lái xe chuyên nghiệp tại các khu vực như Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, Cảng Cát Lái… để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm về giấy phép lái xe, sử dụng chất kích thích, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa…
Về mức xử phạt đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện sử dụng chất kích thích theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligma/1 lít khí thở và tước quyền sử dụng 2 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày; Phạt từ 7.000.000 – 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam – 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; Phạt tiền từ 16.000.000 – 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ và người điều khiển xe trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligma/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.