Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, về lý thuyết, miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được khi tất cả người dân thành phố đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi nên nhóm trẻ ở độ tuổi này vẫn chưa được tiêm vaccine. Do đó, về lý thuyết, Thành phố chưa thể đạt được điều kiện miễn dịch cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang quyết liệt triển khai tiêm vaccine các mũi tăng cường, mũi bổ sung cho người dân. Theo đó, Thành phố sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, người dân đang ở tại thành phố, bất kể là thường trú hay tạm trú nếu có nhu cầu tiêm vaccine có thể đến bất kỳ điểm tiêm nào trên địa bàn để được tiêm chủng mà không cần đăng ký danh sách trước. Thành phố sẽ nỗ lực bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng đến hết tháng 2/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo thống kê, tổng số mũi vaccine COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã thực hiện gồm mũi 1 là 8.103.904 liều, mũi 2 là 7.285.292 liều, mũi bổ sung là 656.764 và mũi nhắc lại là 3.874.314 liều.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cũng khuyến cáo: Dù hiện nay số ca mắc COVID-19 tại thành phố ghi nhận giảm sâu, số ca tử vong chỉ còn ở một con số, nhưng người dân vẫn cần phải thực hiện triệt để các nguyên tắc 5K.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn ngày càng đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, lơ là; chủ động cảnh giác, thực hiện đồng bộ các biện pháp, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ.
Tính đến 18 giờ ngày 26/1, có 513.9 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 513.132 trường hợp mắc trong cộng đồng, 836 trường hợp nhập cảnh. Hiện các bệnh viện thành phố đang điều trị cho 2.107 trường hợp.