Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, lượng khách đi lại dịp Tết Nguyên đán dự kiến tăng gấp 2 – 3 lần so với ngày thường nên ngoài lượng xe khách trên tuyến của thành phố và các địa phương khác đang hoạt động tại các bến xe trên địa bàn, Sở Giao thông Vận tải sẽ cấp phù hiệu tuyến cố định cho xe hợp đồng, xe đưa rước công nhân, xe buýt với mục tiêu không để người dân thiếu xe về quê ăn Tết.
Người dân tấp nập đến Bến xe miền Tây để về quê đón Tết . Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Về phụ thu giá vé ngày Tết Nguyên đán, các đơn vị áp dụng mức thu từ 20 - 60% so với giá vé ngày thường. Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các bến phải đảm bảo chất lượng xe tăng cường. Đồng thời, yêu cầu Thanh tra giao thông phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra các doanh nghiệp chưa kê khai giá vé; nếu phát hiện bán cao hơn với giá vé hiện tại sẽ kiên quyết xử lý.
Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông cho hay, Tết Nguyên đán Đinh Dậu, lượng hành khách thông qua Bến xe miền Đông có thể tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu vào các ngày 22 – 28 tháng Chạp, cao điểm ngày 25 tháng Chạp lượng khách có thể đạt tới 56.000 lượt. Để phục vụ hành khách, không xảy ra ùn tắc giao thông, Bến xe miền Đông sẽ tổ chức hướng dẫn, sắp xếp xe tập kết, đón - trả khách đúng vị trí; phối hợp với lực lượng chức năng xử lý tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, “xe trá hình” đồng thời sắp xếp tài chuyến, điều động phương tiện hợp lý để nhanh chóng giải tỏa hành khách. Hiện tại, đã có 26/218 đơn vị hoạt động tại bến xe kê khai giá vé dịp Tết. Xe thương hiệu, xe giường năm có nhu cầu rất cao, các xe không đáp ứng hết trong khi vé ghế ngồi vẫn còn rất còn nhiều.
Theo đại diện bến xe miền Tây, dịp Tết Dương lịch 2017, dự báo lượng hành khách đi các tỉnh Miền Tây tăng từ 20 - 25% so với Tết Dương lịch 2016. Các tuyến có lượng hành khách tăng cao gồm tuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Kiên Giang. Còn Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, dự báo lượng hành khách về các tỉnh Miền Tây tương đương so với dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016. Đối với giá vé Tết Nguyên đán, các đơn vị kinh doanh vận tải áp dụng mức phụ thu không quá 40% so với mức giá vé ngày thường, thời gian phụ thu trong 6 ngày (gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết), riêng tuyến đường Nha Trang phụ thu không quá 60%.
Về vận tải đường thủy nội địa, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc xí nghiệp Quản lý phà Thanh niên xung phong cho biết, dịp Tết Dương lịch, nhu cầu đi lại của người dân Tp. Hồ Chí Minh qua phà Cát Lái (quận 2) đề về Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (và chiều ngược lại) sẽ tăng cao nên sẽ diễn ra cảnh ùn ứ trên đường dẫn vào phà. Dự kiến ngày cao điểm có thể vượt hơn 90.000 lượt/ngày (ngày thường khoảng 50.000 lượt/ngày). Do đó ngoài vấn đề tăng chuyến lên 280 chuyến/ngày (ngày thường là 170 chuyến), Xí nghiệp Quản lý phà sẽ tăng 60% quân số phục vụ tham gia điều tiết cũng như chủ động di chuyển để bán vé theo chỗ xe đậu chứ không ở vị trí quầy bán vé để giảm ùn tắc, rút gọn thời gian qua phà.