Ngoài ra, có 345 trường hợp đang được cách ly tại Khu cách ly tập trung của thành phố và 283 trường hợp được cách ly tập trung tại các quận, huyện; trong đó, có 61 người kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày, còn 222 người đang tiếp tục được theo dõi.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chuyển hướng lan rộng ra toàn cầu. Từ bài học về công tác phòng chống dịch ở một số nước trên thế giới, thành phố kien quyết không chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Ông Bỉnh cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là phải cách ly triệt để, khi phát hiện ra trường hợp bệnh thì truy tìm người có tiếp xúc để cách ly. Do đó, hiện nay thành phố đang lên phương án mở rộng các khu cách ly tập trung ở huyện Củ Chi đối với các trường quân đội thuộc Bộ Tư Lệnh và tiếp tục thực hiện ở Cần Giờ, hướng đến sẽ thành lập một khu cách ly biệt lập tại huyện Cần Giờ.
Thành phố cũng lên kịch bản trong tình huống xấu nhất sẽ trưng dụng khu ký túc xá ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh với 20.000 giường để làm khu cách ly. Bệnh viện Ung Bướu mới 1.000 giường cũng sẵn sàng. “Hiện thành phố còn lên phương án cách ly hẳn một xã, phường, thậm chí có thể cách ly một quận. Đối với những người được cách ly tại gia đình tuyệt đối không được ra khỏi nhà và được sự quản lý của y tế địa phương”, Giám đốc Sở Y tế thông tin thêm.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh thêm, cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa ở các tỉnh biến giới. Bởi khi các chuyến bay từ Hàn Quốc tạm dừng khai thác, nhiều người tìm cách vào Việt Nam bằng các chuyến bay từ Campuchia, Thái Lan. Thậm chí, người Việt Nam còn về nước thông qua đường bộ ở biên giới.
Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Liêm, Phó cChủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đối với dịch COVID-19 tuyệt đối không được sơ suất, phải làm hết sức quyết liệt và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.