Ngày 3/8, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, TP đã chuyển hướng sang điều trị, giải pháp đề ra là nhanh chóng cung cấp đầy đủ trang thiết bị cho các bệnh viện điều trị COVID-19 để ngăn chặn ca chuyển nặng và giảm ca tử vong.
Hiện nay, hệ thống phân tầng điều trị là 3 tầng 5 lớp. TP Hồ Chí Minh cũng đã tăng cường cơ sở vật chất, cụ thể như các bệnh viện quận đã tiến hành tách đôi, thậm chí có những bệnh viện đã tăng năng lực tiếp nhận điều trị cấp cứu đến 100%. Tuy nhiên, đến giờ này, vẫn đang quá tải và thành phố sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung năng lực để mỗi ngày có thêm năng lực mới, tiếp nhận điều trị cũng như điều chỉnh điểm bất hợp lý, hạn chế tối đa người bệnh chuyển nặng và tử vong.
Theo ông Phan Văn Mãi, hiện tại khâu tiếp nhận và xử trí ở tầng 3 gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, thiết bị. Vì vậy, ngày 2/8, TP Hồ Chí Minh đã đề nghị tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ liên thông tầng 3, 4, 5 để kịp thời có những chỉ định và những biện pháp điều trị giảm chuyển biến nặng, giảm tử vong.
Hiện TP Hồ Chí Minh cũng đang tiếp tục bổ sung năng lực ngành y tế để hạn chế tình trạng bệnh nhân có nhu cầu nhập viện nhưng chưa được nhận hoặc nhận trễ, khiến tình trạng bệnh nhân nặng hơn hoặc tử vong.
Đối với gói an sinh xã hội chăm lo các đối tượng yếu thế trong xã hội, ông Phan Văn Mãi cho biết, trong thời điểm hiện nay TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị các xã, phường, thị trấn nắm chắc số lượng bà con là công nhân lao động, sinh viên, những người không phải nằm trong nhóm đối tượng theo quy định nhưng thời gian qua mất việc, không có thu nhập để Thành phố hỗ trợ kịp thời. Như vậy, tất cả bà con có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh đều được hỗ trợ.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình dịch bệnh và số ca F0 tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng đi ngang và đang có dấu hiệu giảm. Điều này cho thấy, các giải pháp phòng dịch trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề khiến lãnh đạo TP Hồ Chí Minh lo lắng là tình trạng lây nhiễm trong khu phong tỏa.
Theo ông Dương Anh Đức, sau khi thành phố siết chặt lại các biện pháp theo Chỉ thị 16 tăng cường, số ca dương tính mới được phát hiện thuộc nhóm này mới có dấu hiệu giảm. Trước đó, nhóm lây nhiễm trong khu vực phong tỏa luôn chiếm tỷ lệ cao.
“Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng đã thay đổi tính chất chiến lược chống dịch là không phong tỏa khu vực lớn mà siết chặt, khoanh vùng khu vực nhỏ theo nguyên tắc là "chặt trong lẫn ngoài". Từ đó, sàng lọc phát hiện các ca nhiễm nhanh chóng, tiến tới mở rộng nhiều “vùng xanh” để giảm các “vùng đỏ”, vùng nguy cơ cao, dần đần đẩy lùi dịch bệnh, trả lại cuộc sống bình thường mới cho người dân”, ông Dương Anh Đức nói.