Khu vực vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân bị ngập nặng vào sáng 6/10. Ảnh: Lê Anh
|
Tại khu vực quận Thủ Đức, đoạn đường Võ Văn Ngân giao với đường Phạm Văn Đồng bị ngập sâu, người dân di chuyển qua đây gặp rất nhiều khó khăn. Sau khoảng gần 30 phút mưa lớn, nước từ các khu vực cao xung quanh đổ xuống đoạn trũng này khiến nơi đây có lúc ngập lút dải phân cách. Đoạn đường Tô Ngọc Vân giao với đường sắt Bắc Nam nằm ở khu vực trũng thập cũng bị ngập nặng, rất nhiều người phải dẫn bộ xe máy qua đoạn đường này vì mức ngập tại đây thường gây ra hiện tượng chết máy xe.
Xa lộ Hà Nội đoạn qua cầu Rạch Chiếc bị ngập sâu gần 50 cm, khiến nhiều phương tiện bị ùn ứ, nhiều xe bị chết máy phải tấp vào lề dẫn bộ, trong khi đó các xe buýt, container, ô tô chen chúc nhau di chuyển trong tình trạng mưa lớn và ngập nước.
Ngập nặng nhất là đoạn quốc lộ 1 qua khu vực vòng xoay An Lạc, nước ngập sâu gần 1 mét khiến nhiều phương tiện không thể di chuyển, trong khi lượng phương tiện đổ về càng lúc càng đông đã gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Do ngập sâu, nhiều xe máy khi lưu thông về đây phải quay đầu tìm lối đi khác gây nên tình trạng hỗn loạn giao thông trên đường.
Tại tuyến đường Nơ Trang Long, nhất là đoạn từ cầu Bình Lợi đến cầu Băng Ky, quận Bình Thạnh bị ngập sâu, nhiều đoạn ngập hơn 60 cm, nước chảy xiết khiến xe máy di chuyển vô cùng khó khăn. Một số xe máy bị dòng nước đẩy ngã, nhiều phương tiện bị ùn ứ không di chuyển được tại một số giao lộ trên đường này.
Khu vực phường Thảo Điền, Quận 2, nhiều tuyến đường bị ngập sâu; mực nước ngập tại đường 41, 65 lên đến 40 cm, trong khi đó nhiều đoạn trũng trên đường Quốc Hương bị ngập sâu 60 cm, nước ngập tràn vào nhà dân có nền thấp làm ướt nhiều vật dụng, tài sản.
Tại các nút giao thông lớn như ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp), ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) cũng xảy ra tình trạng ùn ứ nghiêm trọng, các phương tiện giao thông nối đuôi nhau di chuyển vô cùng khó khăn.
Mưa lớn đã làm “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh chìm trong nước ngay khi mưa kéo dài gần 20 phút. Hệ thống bơm chống ngập công suất lớn đặt trên đường này đã vận hành khi đường vừa bị ngập, hút nước ngập đưa ra sông Sài Gòn, giải quyết tình trạng ngập cục bộ. Tuy nhiên do mưa lớn, kéo dài và nước mưa từ các khu vực khác đổ về, sau khi máy bơm dừng vận hành thì đường Nguyễn Hữu Cảnh bắt đầu tái ngập trở lại. Hệ thống bơm công suất lớn hiện đang được đặt vào tình trạng sẵn sàng vận hành liên tục khi mực nước ngập tại đây lên cao.
Theo Công ty Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, mưa lớn sáng 7/10 đã làm hơn 10 điểm bị ngập nặng, trong đó ngập nặng nhất từ 30 – 50 cm là đường Hồ Học Lãm, Lê Văn Lương, Huỳnh Tấn Phát, quốc lộ 50… Trên các tuyến đường này, giao thông đều bị ùn ứ, các phương tiện rất khó di chuyển, nhiều xe máy phải tấp vào lề đường chờ nước rút.
Theo bản tin cảnh báo mưa, dông, sét của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, ngày 7/10, vùng phản hồi vô tuyến cường độ mạnh di chuyển theo hướng Tây gây ra mưa lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, có nơi lượng mưa lên đến 70 mm, trong cơn mưa có xảy ra gió giật và lốc xoáy. Dự báo mưa lan rộng ở nhiều khu vực và sẽ kéo dài thành nhiều đợt trong ngày 7/10.