Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy được thành phố chú trọng. Cùng với các giải pháp tăng cường xây dựng lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp, công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy được đẩy mạnh thông qua nhiều giải pháp như: Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng tại cơ sở; triển khai xây dựng điểm an toàn về phòng cháy, chữa cháy...
Thành phố đã điều tra, phân loại 41.461 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy; thẩm duyệt 10.234 hồ sơ dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu và cấp công văn nghiệm thu 4.996 công trình. Từ năm 2014 đến năm 2018, thành phố đã xảy ra 6.245 sự cố cháy, 13 vụ nổ.
Báo cáo của UBND thành phố cũng nhìn nhận công tác phòng cháy, chữa cháy của thành phố vẫn còn tồn tại những hạn chế. Cụ thể, một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đặc biệt là tổ chức kinh tế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chưa quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy, số vụ vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy còn lớn. Lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Mặt khác, nguồn kinh phí của Bộ Công an cấp cho việc đầu tư trang bị phương tiện, xây dựng doanh trại thời gian qua chưa đáp ứng so với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Mức xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị tại chung cư, nhà cao tầng còn thấp, chưa có tính răn đe, do vậy, việc vi phạm thường kéo dài mà chưa có hình thức xử lý triệt để.
Để công tác phòng cháy, chữa cháy thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn một cách đồng bộ, tránh tình trạng Luật, Nghị định ban hành mà chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện; không để tình trạng chồng chéo, bất cập giữa các văn bản pháp luật.
TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ cho phép ban hành và áp dụng các quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy đặc thù để điều chỉnh công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố.
UBND thành phố cũng kiến nghị Chính phủ có quy định hướng dẫn việc thành lập Hiệp hội phòng cháy chữa cháy tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên phạm vi cả nước. Trước mắt có thể thí điểm thành lập Hiệp hội phòng cháy chữa cháy tại TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó là ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các loại hình cơ sở kinh doanh dưới dạng cửa hàng tiện ích, bách hóa, công trình ngầm, nhà tập trung đông người ở dưới các tầng hầm...; bố trí nơi đậu máy bay đối với các nhà cao tầng để phục vụ cứu nạn, cứu hộ.
TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung những quy định còn bất cập, vướng mắc, thiếu khả thi trong công tác quản lý chung cư, nhà cao tầng; trong đó tăng mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với trường hợp chủ đầu tư cho sử dụng công trình khi chưa được nghiệm thu, hoàn công về phòng cháy, chữa cháy và xây dựng...
Đánh giá công tác phòng cháy chữa cháy của TP Hồ Chí Minh thời gian qua khá tốt, tuy nhiên Thượng tướng Võ Trọng Việt cũng cho rằng kết quả đó vẫn chưa đủ mà cần phải làm tốt hơn nữa. Thành phố cũng đã rất quyết tâm và nỗ lực trong triển khai các giải pháp phòng cháy, chữa cháy nhưng chúng ta cũng chưa thực sự yên tâm khi thành phố vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất lớn và diễn biến phức tạp, nhất là ở các khu chung cư, khu thương mại, khu công nghiệp.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng cháy chữa cháy đã được thành phố thực hiện khá quyết liệt, tuy nhiên chưa đạt được kết quả như mong muốn, còn không ít tổ chức, cá nhân chưa có ý thức chấp hành các quy định. Vì vậy, cùng với tuyên truyền giáo dục cần gắn với tăng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, hệ thống mạng lưới cơ sở về phòng cháy chữa cháy của thành phố rộng khắp nhưng việc phát hiện để phòng và xử lý, chữa cháy còn chậm nên khi sự cố xảy ra sẽ gây hậu quả lớn. Thực tế, hiệu quả chữa cháy các vụ cháy có phạm vi rộng, lớn là thấp. Thành phố cần có giải pháp phát huy hệ thống mạng lưới, lực lượng cơ sở. Bên cạnh đó, công tác điều tra nguyên nhân các vụ cháy còn chậm, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ để nắm bắt nguyên nhân, rút kinh nghiệm cho công tác phòng cháy được tốt hơn. Mặt khác, cơ chế chính sách, điều kiện phương tiện, hạ tầng ở thành phố chưa đồng bộ nên ảnh hưởng lớn đến công tác phòng và chữa cháy.
Thượng tướng Võ Trọng Việt lưu ý lãnh đạo thành phố cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu giải pháp cho các vấn đề nêu trên để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy thời gian tới.
Nhiều đại biểu trong đoàn công tác nêu ý kiến, với đặc thù của thành phố lớn tập trung đông dân, nhiều cơ sở sản xuất, nhà cao tầng, thành phố cần đẩy mạnh giải pháp phòng cháy ở các cơ sở, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy, nổ, nhất là ở khu chung cư, khu công nghiệp - khu chế xuất, sân bay, bến cảng… khu vực đông người. Trong đó, thành phố cần chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, quy chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhất là tình trạng công trình chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng.