Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong công tác phòng chống dịch COVID-19, công tác cách ly là biện pháp hữu hiệu để giảm lây nhiễm trong cộng động. Tuy nhiên, vừa qua có một số trường hợp đã được thuyết phục nhưng vẫn không chịu đi cách ly, do chưa hiểu cách ly là vì sự an toàn của cộng đồng và bản thân người đó.
Dẫn chứng trường hợp hai phi công cư trú ở chung cư Ascent (quận 2), Sở Ngoại vụ đã phải làm việc với Tổng lãnh sự quán của Anh và Úc để thuyết phục họ đi cách ly. Thế nhưng, cũng chỉ có một người chịu chấp hành, còn một người vẫn chưa đi cách ly. Theo ông Nguyễn Thành Phong, nếu không có sự quyết liệt, đến một lúc nào đó, tình hình dịch COVID-19 sẽ còn phức tạp hơn, buộc chính quyền phải có những biện pháp cưỡng chế đi cách ly theo đúng quy trình và đúng pháp luật, nhằm đảm bảo an toàn trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất quy trình cưỡng chế cách ly bắt buộc tại nhà hoặc tại khu cách ly tập trung, trình UBND TP Hồ Chí Minh trong hai ngày làm việc để chuẩn bị công tác cưỡng chế kịp thời.
Ngoài ra, tình trạng tập trung đông người tiếp tế cho người nhà đi cách ly như thời gian qua ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP Hồ CHí Minh (quận Thủ Đức), cũng làm ảnh hưởng đến trật tự chung và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, các bên liên quan cần có những giải pháp cụ thể và cần có trách nhiệm người đứng đầu để tình trạng này không tái diễn.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, tổng số người cách ly tích lũy tại các điểm cách ly tập trung của quận, huyện là 926 người, trong đó đang còn cách ly là 553, hết thời gian cách ly là 373 người; tổng số người cách ly tích lũy tại các điểm cách ly tập trung của thành phố là 6.844 người, trong đó đang còn cách ly là 6.207 người, hết thời gian theo dõi là 637 người; tổng số người cách ly tích lũy tại nhà là 4.722 người, trong đó đang còn cách ly là 1.016 và hết thời gian cách ly là 3.706 người.