Thông tin về tình hình biến động nhân viên y tế công lập, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, số người làm việc năm 2021 là 42.914 người. Số người làm việc trong 6 tháng đầu năm 2022 là 42.608 người, gồm: 181 công chức, 27.545 viên chức, 14.882 hợp đồng lao động; trong đó, có 8.864 bác sĩ, 1.187 y sĩ, 16.139 điều dưỡng - hộ sinh, 2.808 kỹ thuật viên, 2.718 dược sĩ và 10.892 thuộc các chức danh khác.
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, tính đến thời điểm hiện nay, có 306 nhân viên y tế nghỉ việc. Như vậy, tổng số người làm việc tuy giảm không nhiều so với năm 2021 nhưng gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập. Bởi, hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm; còn người mới được tuyển dụng là nhân viên mới cần có thời gian để thực hành, tập sự.
Để hạn chế những khó khăn do thiếu nhân lực y tế có kinh nghiệm, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã đề xuất một số giải pháp, trong đó tập trung tăng cường hỗ trợ nhân lực chuyên khoa và nhân lực quản lý đối với những đơn vị bị thiếu hụt. Cụ thể, vận dụng bài học kinh nghiệm từ công tác chống dịch COVID-19 sang chống dịch sốt xuất huyết trong tăng cường hỗ trợ nhân lực chuyên môn cho các cơ sở đang gặp khó khăn như Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi; bổ sung và tăng cường nhân lực quản lý cho các cơ sở đang bị thiếu hụt, gặp khó khăn như Bệnh viện Mắt, Bệnh viện thành phố Thủ Đức, Quận 7, Quận 6...
Ngoài vấn đề hỗ trợ nhân lực, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh còn triển khai một số giải pháp giúp ổn định tâm trạng lo lắng của nhân viên y tế, như triển khai hoạt động “Lãnh đạo ngành y tế lắng nghe và trao đổi với nhân viên y tế”; phối hợp các chuyên gia tâm lý của các trường đại học mở kênh “Tư vấn tâm lý cho nhân viên y tế”; mở thêm các hội thi giúp tăng cường giao lưu, học tập lẫn nhau giữa các loại hình nhân viên y tế; tổ chức bình chọn "Giải thưởng thành tựu y khoa Việt Nam" với chủ đề của đợt bình chọn lần thứ ba (năm 2022) là các thành tựu liên quan đến y tế cơ sở.