Ngày14/5, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ Trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu, cùng đại diện Cục chăn nuôi, Trung tâm Thú y vùng 6, Trung tâm Khuyến nông quốc gia… đã có buổi làm việc với các Sở ban ngành và các huyện có chăn nuôi lợn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi và bàn các giải pháp quản lý tiêu thụ thịt lợn...
Đảm bảo đàn lợn, siết chặt nguồn cung
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn Thành phố hiện có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 274.154 con; trong đó 270 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn dư thừa tại các nhà hàng quán ăn, có nguy cơ cao lây lan dịch tả lợn châu Phi.
Đối với việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ trên địa bàn, thành phố hiện có 11 cơ sở giết mổ lợn, chung cấp khoảng 6.500 -7.000 con lợn/ngày, nguồn thịt lợn chủ yếu nhập từ tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng tàu. Ngoài ra, thành phố còn tiếp nhận khoảng 2.500 con lợn giết mổ từ các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, hiện số lợn nuôi tại TP chỉ phục vụ được khoảng gần 20% nhu cầu thị trường còn chủ yếu là nhập từ các tỉnh lân cận. TP Hồ Chí Minh đã rất cố gắng và quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào địa bàn thành phố. Đến nay thành phố cũng đã có những giải pháp riêng để chỉ đạo cho các quận huyện theo dõi và kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn lợn.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi rút kinh nghiệm từ các tỉnh phía Bắc TP Hồ Chí Minh đã có những điều chỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, ngành nông nghiệp thành phố đã phối hợp với các tỉnh để đảm bảo đưa nguồn hàng theo đúng quy định, đảm bảo an toàn phục vụ cho người tiêu dùng ở thành phố.
“Ngay khi tỉnh Đồng Nai có dịch, thành phố đã thành lập thêm ba chốt kiểm dịch lưu động ở khu vực giáp ranh tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, đồng thời kiểm soát chặt chẽ khu vực các trạm đầu mối giao thông để kiểm tra nguồn hàng thực phẩm thịt và lợn sống từ các tỉnh vào thành phố kể cả khu vực chợ đầu mối”, ông Trung cho biết thêm.
Ông Lê Việt Bảo, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, công tác đảm bảo an toàn cho đàn lợn trên địa bàn cũng được tăng cường tối đa. Cụ thể, Thành phố đã phát hơn 4.000 tờ rơi cung cấp thông tin, dấu hiệu nhận biết và hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn sinh học phòng chống dịch bệnh tới các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, kinh doanh lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc hướng dẫn xử lý thức ăn cho những hộ sử dụng thức ăn thừa để chăn nuôi vì đây là nhóm dễ phát sinh dịch tả lợn châu Phi nhất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, hiện đàn lợn nuôi ở TP Hồ Chí Minh không nhỏ nên việc kiểm soát cần phải siết chặt hơn nữa, vì nếu để xảy ra dịch thì rất nhiều hệ lụy phức tạp. Do đó, TP Hồ Chí Minh phải luôn kiểm soát tốt dịch bệnh trong mọi điều kiện.
Đảm bảo cân đối nguồn cung cầu
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, UBND TP đã chỉ đạo cho Sở Công thương làm việc với các doanh nghiệp về khả năng cung ứng, dự trự nguồn thịt lợn đảm bảo cân đối cung cầu thị trường thành phố. Theo đó, thành phố đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đưa vào cấp đông dự trữ. Đặc biệt là sẽ bàn các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi tiêu thụ và chế biến thịt lợn.
Hiện, nguồn thịt đang cung ứng cho thị trường từ các đơn vị khoảng 106,5 tấn thịt lợn/ngày. Trong đó Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) có sản lượng thịt lợn đưa ra thị trường bình quân 65 tấn/ngày. Trong trường hợp có xảy ra dịch bệnh, công ty sẽ thu mua để dự trữ 3.600 tấn thịt lợn trong thời gian 45 ngày, nếu có biến động lớn về nguồn cung sẽ nhập khẩu thịt từ các nước. Ngoài sản lượng thịt lợn tham gia bình ổn thị trường các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị sản lượng thịt tăng cường là 33,5 tấn thịt lợn /ngày và 37 tấn thịt gà/ngày cho thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, từ khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, công ty đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát nguồn cung đầu vào cho cơ sở giết mổ và đề ra giải pháp đảm bảo lượng thịt cung cấp cho thị trường, trong đó có thu mua giết mổ cấp đông dự trữ cho những tháng cuối năm.
“Hiện nay cấp đông sẽ tốn chi phí rất lớn nên cần chính sách hỗ trợ. Bởi người tiêu dùng có thói quen sử dụng thịt nóng, do đó, khi cấp đông số lượng lớn thì nhà nước cần phải tuyên truyền để người dân sử dụng thịt đông, thịt mát”, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.
Ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, các sở ngành của thành phố cần phải làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sự an toàn cho ngành chăn nuôi cũng như duy trì nguồn cung thịt lợn an toàn cho người tiêu dùng và hoạt động chế biến của các doanh nghiệp.