Đó là nhận định của Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, khi nói về tình hình buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ ma túy tại TP Hồ Chí Minh hiện nay.
Người nghiện ma tuý đang "trẻ hóa"
Tại TP Hồ Chí Minh, tại các quán bar, các tụ điểm ăn chơi của giới trẻ, các tụ điểm game bắn cá… chỉ cần các cơ quan chức năng kiểm tra là phát hiện số người dương tính với ma túy lên đến hàng chục. Tuy nhiên, số người bị phát hiện dương tính với ma túy này cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng”.
Chẳng hạn như rạng sáng 5/4, Đoàn 1- Liên ngành Văn hóa Xã hội TP Hồ Chí Minh, trinh sát Phòng cảnh sát hình sự và Công an quận 5 đã bất ngờ khống chế bảo vệ và kiểm tra quán bar 86 (quận 5, TP Hồ Chí Minh). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều gói nhỏ chứa thuốc lắc, hàng đá... và đã đưa hơn 100 "khách bay" đi kiểm tra ma túy; đồng thời lập biên bản quán bar với hàng loạt lỗi như hoạt động quá giờ, quản lý thiếu trách nhiệm để khách sử dụng ma tuý, thiếu phương án phòng cháy, để xe chiếm dụng lòng lề đường... Năm ngoái, quán bar này đã từng bị Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện hàng chục người chơi mua tuý khi ập vào kiểm tra.
Trung tướng Lê Đông Phong cũng cho biết, trước đây TP Hồ Chí Minh có chủ trương xử lý người nghiện ma túy bằng cách cho cai nghiện tập trung, cắt cơn, chống tái nghiện, dạy nghề sau cai nghiện… Gần đây, thành phố không thực hiện tiếp cai nghiện tập trung và dạy nghề sau cai nên công tác phòng chống tệ nạn ma túy gặp nhiều khó khăn.
“Số người nghiện tại TP Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở con số hơn 20.000 người có hồ sơ quản lý mà thực tế cao gấp 4-5 lần. Vì vậy, thành phố vẫn là địa bàn tiêu thụ ma túy lớn của cả nước”, ông Phong cho biết thêm. Theo ông Phong, có cầu ắt có cung và người nghiện nhiều thì tác động đến đầu cung. Mặt khác, vài năm trở lại đây xuất hiện nhiều loại ma túy mới, điển hình như ma túy đá. Ma túy đá gây hậu quả lớn về thần kinh (loạn thần) dẫn mất kiểm soát những hành vi khác. Ma túy đá cũng phát sinh những loại tội phạm khác như giết người, trộm cắp...
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết số người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp (ma túy đá) có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng sử dụng ma túy sau đó gây ra các loại án xâm phạm nhân thân, xâm phạm sở hữu với tính chất liều lĩnh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, tình trạng tái nghiện cao, cắt cơn xong trả về cai nghiện tại cộng đồng chưa đủ khoảng thời gian để quên ma túy nên cũng dễ xảy ra tình trạng tái nghiện.
Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu
Ngoài việc là địa bàn tiêu thụ ma túy lớn của cả nước, TP Hồ Chí Minh còn là địa bàn trung chuyển, sản xuất ma túy tổng hợp lớn. Cụ thể vào đêm ngày 27/3, trong khi tuần tra kiểm soát trên địa bàn, lực lượng chức năng liên ngành của thành phố đã phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển ma túy với số lượng 900 bánh ma túy (hơn 315 kg) do một người đàn ông nước ngoài vận chuyển. Đây là vụ việc lớn thứ hai chỉ cách vài ngày Bộ Công an triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia, thu giữ hơn 300 kg ma túy trên địa bàn quận Bình Tân.
Theo ông Lê Đông Phong, qua các vụ án gần đây cho thấy, thành phố cũng là địa bàn trung chuyển ma túy lớn nhưng việc phát hiện chỉ ở mức độ vừa phải, không lớn. Trong gần một năm trở lại đây, việc vận chuyển ma túy về TP Hồ Chí Minh có thay đổi là xuất hiện thêm tình trạng vận chuyển ma túy từ Lào về TP Hồ Chí Minh. Đây là xu hướng mới mà TP Hồ Chí Minh cần cảnh giác làm rõ việc tổ chức, hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán ma túy để kịp thời ngăn chặn và xử lý.
Để kéo giảm người nghiện và buôn bán ma túy trên địa bàn, theo Trung tướng Lê Đông Phong, cần phải xác nhận rõ trách nhiệm địa phương, chính quyền cơ sở và trách nhiệm của công an khi để thành phố trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển, tiêu thụ ma túy lớn của cả nước.
“Để kéo giảm số người nghiện, người vận chuyển ma túy, cần sự nỗ lực hơn của cả hệ thống chính trị để nắm lại số người nghiện. Bởi vì người nghiện nhiều chắc chắn tác động đến nguồn cung. Ngoài ra, phải quản lý chặt chẽ khâu nhập khẩu, chế biến, phân phối dược liệu, dược phẩm bởi ma túy vẫn sử dụng trong y học và thường được “ngụy trang” là dược liệu, dược phẩm để vào thành phố. Quản lý chặt dược liệu, dược phẩm nhưng vẫn vừa đảm bảo thuốc cai nghiện cho nhân dân và vẫn đảm bảo không có ma túy”, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết.
Ông Huỳnh Thanh Khiết cho rằng, TP Hồ Chí Minh hiện có 9 cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc và 13 cơ sở tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện với quy trình cai nghiện ngày càng hoàn thiện, nâng cao về chất lượng và thân thiện. Các cơ sở cai nghiện ma túy được chuyên môn hóa thực hiện các giai đoạn của quy trình cắt cơn, phục hồi sức khỏe đến giáo dục, xây dựng môi trường văn hóa, tổ chức dạy nghề, dạy văn hóa, sinh hoạt trị liệu, hướng dẫn kỹ năng và giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, để kéo giảm số người nghiện, nên có sự tham gia của nhà trường trong việc tuyên truyền học sinh tránh xa tệ nạn; đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ tài chính tại các cơ sở điều trị. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh cần học tập mô hình cai nghiện ma túy ở các nước phát triển khác; các cơ sở cai nghiện ma túy cần có giải pháp về nhân lực, thực hiện tốt mục tiêu 90 - 90 - 90 của Liên hiệp quốc (90% người nhiễm biết được tình trạng nhiễm; 90% người nhiễm được điều trị bằng thuốc ARV và 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp).