Sự phát triển tự phát của các loại hình sản xuất nhỏ lẻ với công nghệ lạc hậu, các trang trại chăn nuôi không được kiểm soát là thủ phạm góp phần gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực ngoại ô TP.HCM.
Bài 1: Thi nhau xả thải
Tình trạng ô nhiễm trên các tuyến kênh rạch tại khu vực ngoại thành TP.HCM đang ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Những trang trại chăn nuôi xả thải thẳng ra những con kênh vốn phục vụ cho tưới tiêu và sinh hoạt của người dân trong vùng.
Khói lò gạch phủ mờ quận 9
Đã từ nhiều năm nay, người dân phường Long Bình, quận 9 (TP.HCM) phải ngày đêm sống chung với khói bụi từ hàng chục lò gạch, bãi than đá, hầm đốt than hoạt động liên tục ngay quanh nhà.
Lò gạch quận 9 tồn tại hàng chục năm qua là nỗi ám ảnh của nhiều người dân trong vùng. |
Có mặt tại phường Long Bình, PV Tin Tức chứng kiến hàng chục lò gạch hoạt động ngày đêm tỏa khói đen nghi ngút, nhiều khu vực dân cư quanh các lò bị xe ủi cày xới ngổn ngang, trông chẳng khác gì một công trường nham nhở khiến việc đi lại vô cùng khó khăn. Các loại xe ben chở đất, xe tải lấy gạch ra vào ầm ầm, cuốn tung bụi đất quanh các lò gạch, đường đi... Thậm chí, nhiều chủ lò gạch còn “mạnh dạn” chặt phá các vạt rừng tràm quanh phường, san ủi đất để xây lò gạch, làm đường cho xe ra vào. Bên cạnh lò gạch, người dân trong vùng còn phải hứng chịu khói bụi độc hại từ nhiều bãi than đá, hầm đốt than, một nhà máy sản xuất nguyên liệu làm xi măng nằm gần đường Nguyễn Xiển. Cán bộ trạm y tế phường Long Bình cho biết, người dân trong phường, nhất là trẻ em, thường mắc các bệnh về hô hấp do hít phải khói bụi độc hại.
Dọc theo con đường Nguyễn Xiển, từ nhà dân, cây cối đến các hàng quán đều bị phủ kín một lớp bụi xám xịt. Nhiều hộ dân sống hai bên đường cho biết, họ phải đóng kín cửa nhà cả ngày lẫn đêm để hạn chế khói bụi bay vào. Chị Tuyết, một chủ hàng tạp hóa trong phường nói với phóng viên: “Khói bụi nhiều lắm, ăn uống gì cũng mất cả ngon, nhưng sống chung với lò gạch nhiều năm rồi... thành quen”. Chị cho biết thêm, đa số các lò gạch đã có từ rất lâu, một số lò “mới” được xây từ khoảng năm 2000. Nhiều lần, người dân đã kiến nghị lên phường đề nghị giải quyết dứt điểm nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy.
Trại nuôi heo đe dọa sông Sài Gòn
Những năm gần đây, huyện Bình Chánh, khu vực trũng nhất, được xem là “túi nước” của TP.HCM lại đang có nguy cơ trở thành “túi ô nhiễm” nếu như các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp xử lý tình trạng này. Theo thống kê của huyện Bình Chánh, hiện 50 tuyến kênh rạch, trong đó nhiều tuyến kênh rạch phục vụ tưới tiêu nông nghiệp của huyện, đều đã bị ô nhiễm, nhất là các tuyến kênh rạch như rạch Cung, rạch Ông Đồ, kênh T0, T14, kênh 8...
Có những con kênh thay vì phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp thì nay chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là trở thành nơi xả thải trực tiếp cho các trại nuôi heo. Người dân tại khu vực này đã phản ánh lên chính quyền tình trạng các dòng kênh đen kịt, bốc mùi hôi thối xa hàng km. Tại khu vực này hình thành hẳn một khu chuyên nuôi heo. Cả hai con kênh đang chết dần chết mòn vì nước thải từ các trại nuôi heo, chưa kể các loại tạp chất trong thức ăn nuôi heo cũng được đổ xuống khiến con kênh lúc nào cũng bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Tại các huyện Hóc Môn và Củ Chi, hàng chục hộ chăn nuôi heo cũng đang ngày đêm xả nước thải ra kênh rạch xung quanh cánh đồng hoang. Tại đây, đa số các hộ đều xả thải trực tiếp ra ao hồ, kênh rạch, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ tính riêng huyện Củ Chi hiện có hơn 6.000 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, trong đó có 161 trang trại chăn nuôi heo và 26 trang trại chăn nuôi bò. Việc xử lý những hộ chăn nuôi gây ô nhiễm chỉ được tiến hành khi có người dân phản ánh, còn không thì các hộ này vẫn bình an vô sự.
Theo một cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường, thực trạng xả thải trực tiếp từ các trại chăn nuôi là tác nhân gây ô nhiễm đến tầng nước ngầm tại khu vực. Từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của người dân thành phố, bởi lẽ, nước thải chăn nuôi sau khi bị thải ra hệ thống kênh rạch thì chảy thẳng ra sông Sài Gòn – nguồn nước thô cung cấp nước sinh hoạt của cả thành phố. Do đó, nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì chất lượng nguồn nước cả hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn sẽ bị đe đọa.
SĨ DŨNG - VĂN HÀO