TP Hồ Chí Minh vượt 'bão' COVID-19 - Bài 2: 'Chống dịch như chống giặc'

Khi dịch COVID-19 bùng phát với số ca nhiễm mỗi ngày lên đến hàng ngàn ca, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã rơi vào tình trạng quá tải ở nhiều khâu.

Trong bối cảnh đó, cùng với lực lượng chi viện từ Trung ương và các địa phương trong cả nước, TP Hồ Chí Minh đã triển khai kịp thời các hoạt động như xét nghiệm phát hiện kịp thời F0 để điều trị; tổ chức hoạt động cấp cứu kịp thời, tổ chức tiêm vaccine một cách thần tốc. 

Chú thích ảnh
Sáng ngày 27/10/2021, 1.500 học sinh huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Thần tốc xét nghiệm

Trước sự lây lan nhanh của dịch COVID-19 do biến chủng Delta, công tác xét nghiệm nhanh, thần tốc được TP Hồ Chí Minh nhanh chóng triển khai nhằm phát hiện sớm F0, qua đó kịp thời ngăn chặn đà lây lan của dịch. Từ đây, các đợt xét nghiệm quy mô lớn được triển khai với sự tham gia tích cực của nhiều lực lượng, từ y tế, đoàn thanh niên, quân đội...

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, giai đoạn từ ngày thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 31/5/2021) đến trước ngày 23/8/2021, tổng số xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 1.295.328 mẫu (tỷ lệ xét nghiệm nhanh dương là 7,2%) và tổng số người được xét nghiệm RT-PCR là 4.263.3 người (tỷ lệ RT-PCR dương là 3,4%).

Từ ngày 23/8/2021 đến ngày 28/9/2021, trong điều kiện thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, TP Hồ Chí Minh đã triển khai 7 đợt xét nghiệm tầm soát cho các hộ dân theo vùng nguy cơ với hơn 15.100.000 xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho người dân trong các khu vực có mức nguy cơ cao và rất cao (vùng cam và vùng đỏ), 265.042 xét nghiệm RT-PCR cho đại diện hộ gia đình tại vùng xanh, cận xanh và vàng (tương ứng 2.310.875 hộ dân, 25.845.971 lượt người dân) được xét nghiệm, phát hiện 225.442 trường hợp dương tính (bao gồm cả xét nghiệm nhanh và RT-PCR). Kết quả, tỷ lệ dương tính giảm dần qua các đợt, cụ thể đợt 1 là 3,6%, đợt 2 là 2,7%, đợt 3 là 1,1%, đợt 4 là 1,1%, đợt 5 là 1,1%, đợt 6 là 0,8%, đợt 7 là 0,3% (ngày 27/9/2021 là 0,1%).

Để đảm bảo việc tổ chức xét nghiệm đúng tiến độ và có hiệu quả, ngày 4/7/2021, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2. Trung tâm đã huy động 1.533 đội lấy mẫu gồm 3 đội cơ hữu tại địa phương, 407 đội thuộc lực lượng đoàn viên thanh niên tình nguyện, 743 đội thuộc lực lượng tình nguyện từ các đơn vị và các tỉnh hỗ trợ do Tổ điều phối nguồn nhân lực Thành phố phân bổ và triển khai công tác xét nghiệm trên diện rộng toàn Thành phố, trung bình mỗi đội thực hiện được từ 300 - 400 mẫu/ngày. Riêng trong giai đoạn từ ngày 22/9/2021 đến ngày 30/9/2021, Thành phố huy động thêm 1.000 đoàn viên, thanh niên tình nguyện và được Trung ương hỗ trợ thêm 5.000 nhân sự cho công tác lấy mẫu (4.000 người từ Bộ Quốc phòng và 1.000 người từ Bộ Y tế).

Tổng số phòng xét nghiệm trên địa bàn Thành phố đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 là 59 đơn vị gồm 13 đơn vị thuộc Trung ương, bộ, ngành, 26 đơn vị y tế công lập của Thành phố và 20 đơn vị y tế tư nhân. Bên cạnh đó, Thành phố huy động thêm 3 phòng xét nghiệm sàng lọc; triển khai 9 xe xét nghiệm RT-PCR lưu động do Bộ Y tế hỗ trợ cho các địa phương có dân số đông hoặc địa bàn rộng, ở xa trung tâm; công suất mỗi xe đến nay là 1.000 - 2.000 ống mẫu/ngày.

Việc khuyến khích và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu đã mang lại hiệu quả, góp phần đáng kể trong việc tăng tốc xét nghiệm. Kết quả tỷ lệ phát hiện dương tính qua các đợt xét nghiệm có xu hướng giảm dần ở tất cả các khu vực nguy cơ cho thấy việc tổ chức xét nghiệm tầm soát đạt được mục tiêu phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý ổ dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.

Tuyến tấn công thứ hai là xét nghiệm, tầm soát nhanh, phát hiện kịp thời F0, ngăn nguồn lây lan trong cộng đồng. Tiếp theo là thực hiện cách ly các trường hợp F1 và thu dung, điều trị các F0. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng, các giải pháp hiện nay đều chưa có tiền lệ, việc cân nhắc và lựa chọn giải pháp để triển khai là tùy thuộc vào tình hình thực tế. Việc triển khai cách ly các trường hợp F1 và F0 tại nhà sau thời gian rút ngắn điều trị tại bệnh viện cần tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Linh hoạt trong cấp cứu và vận chuyển cấp cứu

Từ đầu tháng 6/2021, khi số trường hợp F0 trên địa bàn Thành phố tăng cao, nhu cầu người dân liên hệ cấp cứu 115 gia tăng đột biến, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tập trung nâng cao năng lực của Trung tâm Cấp cứu 115. Tổng đài điều phối cấp cứu 115 đã được chuyển đến Công viên phần mềm Quang Trung với quy mô 40 line điện thoại tiếp nhận cuộc gọi 115 cùng hệ thống điều phối cấp cứu và hệ thống quản lý người bệnh F0 và huy động số lượng tình nguyện viên tham gia công tác điều phối là gần 300 người thay phiên trực theo chế độ 3 ca 4 kíp. Đến khoảng cuối tháng 7 cơ bản đã tiếp nhận được 100% cuộc gọi vào tổng đài, trung bình môi ngày tiếp nhận hơn 5.000 cuộc gọi (gấp 50 lần thời điểm bình thường).

Thành phố tổ chức hoạt động vận chuyển cấp cứu người bệnh với nhiều mô hình như xe khách chuyển bệnh, “Taxi cấp cứu chuyển bệnh". Trong đó, hoạt động xe khách chuyển bệnh được triển khai từ ngày 28/6/2021, loại hình xe khách cải tiến vận chuyển người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đến bệnh viện dã chiến đã được triển khai. Đến hết ngày 13/9/2021, có 6 doanh nghiệp vận tải tham gia và vận chuyển được khoảng 80.000 người đến các cơ sở thu dung, cơ sở điều trị phù hợp.

Tiếp đó, từ ngày 28/7/2021, mô hình “Taxi cấp cứu chuyển bệnh" đã được triển khai phối hợp giữa Trung tâm Cấp cứu 115, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh góp phần giúp Trung tâm Cấp cứu 115 đáp ứng chuyển viện cấp cứu kịp thời đối với người mắc COVID-19 chuyển nặng cần hỗ trợ oxy trong giai đoạn chờ Thành phố bổ sung, tăng cường xe cứu thương cho lực lượng cấp cứu ngoài bệnh viện. Biệt đội taxi cấp cứu chuyển bệnh hoạt động rất tích cực với tần suất vận chuyển 200 - 300 ca bệnh/ngày, tổng số lượt chuyển bệnh trong suốt cao điểm chống dịch là hơn 10.000 người bệnh.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, các kíp taxi cấp cứu chuyển bệnh nhận được sự hài lòng của người dân Thành phố về thời gian tiếp cận của công tác vận chuyển người bệnh. Đây là một phần thuộc công tác điều phối chung của Trung tâm Cấp cứu 115, tạo nên một hệ thống cấp cứu chuyển bệnh phân tầng, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh.

Cùng với công tác vận chuyển người bệnh, TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai trạm cấp cứu 115 dã chiến. Đầu tháng 8/2021, để đáp ứng nhu cầu cấp cứu cho người dân trên địa bàn Thành phố trong bối cảnh số người bệnh nặng cần nhập viện tăng cao và các trạm vệ tinh 115 không đáp ứng yêu cầu xuất xe do thiếu hụt trầm trong về nhân sự và phương tiện, đồng thời để đảm bảo giãn cách và tiếp cận người bệnh cấp cứu nhanh hơn, bộ phận cấp cứu ngoại viện của Trung tâm Cấp cứu 115 từ 1 điểm ở Trung tâm Thành phố (Quận 10) đã được tách ra phân bố tại 5 trạm cấp cứu dã chiến 115 ở Quận 11 (nhà thi đấu Phú Thọ), Quận 12 (Công viên phần mềm Quang Trung), huyện Bình Chánh (nhà thiếu nhi huyện Bình Chánh), quận Bình Tân (Trường Trung học cơ sở Bình Tân) và thành phố Thủ Đức (Nhà Văn hóa Liên đoàn Lao động Quận 2 cũ).

Các trạm cấp cứu 115 dã chiến ngoài lực lượng thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 còn được bổ sung phương tiện và lực lượng tăng cường từ các đơn vị thuộc 14 Sở Y tế một số tỉnh, thành phố bạn, lực lượng y tế tư nhân, tình nguyện viên, phân bố các xe cấp cứu được tiếp nhân từ các nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố. Đến ngày 23/8/2021, Trung tâm tiếp nhận thêm 30 xe cứu thương từ Bộ Quốc phòng hỗ trợ cùng lực lượng 30 tài xế và 28 y sĩ cũng phân bổ về cho 5 trạm cấp cứu dã chiến. Các kíp cấp cứu 115 đã nỗ lực đáp ứng công tác chuyển bệnh F0 triệu chứng nặng đến các cơ sở điều trị, cao điểm vận chuyển 200 người bệnh F0 nặng/ngày. 

Với sự linh động, sáng tạo, TP Hồ Chí Minh đã từng bước khắc phục được những khó khăn ban đầu trong công tác phát hiện sớm F0, vận chuyển các ca nhiễm đến các khu vực cấp cứu, điều trị kịp thời, qua đó cũng hạn chế mức thấp nhất cá ca chuyển nặng, tử vong do không được cấp cứu kịp thời.

Bài 3: Điểm nhấn trong thu dung điều trị 

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh vượt 'bão' COVID-19 - Bài 1: Trở thành tâm dịch
TP Hồ Chí Minh vượt 'bão' COVID-19 - Bài 1: Trở thành tâm dịch

Biến chủng Delta được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2021 từ những ca chỉ điểm đầu tiên ở Quận 7, sau đó là chùm ca nhiễm ở điểm truyền giáo Phục Hưng và bắt đầu lan rộng ra các địa phương khác trên địa bàn Thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN