Trẻ em luôn là đối tượng để người lớn cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc toàn diện. |
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết đây là quy trình đầu tiên của cả nước được xây dựng để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo hành, xâm hại.
Theo ông Tấn, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được các đơn vị, ban ngành, lãnh đạo thành phố quan tâm. Vừa qua, thành phố đã ban hành rất nhiều chính sách, quy định để bảo vệ trẻ em trước các tội phạm về bạo lực, xâm hại. Tuy nhiên, với gần 2 triệu trẻ em (chiếm gần 23% dân số thành phố), TP Hồ Chí Minh luôn phải đối diện với thách thức, nguy cơ về quá tải đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng một quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý nhanh và riêng các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Theo đó, quy trình này từ khi nghi ngờ, phát hiện trẻ em có dấu hiệu bị xâm hại, bạo hành, mọi tổ chức và cá nhân phải lập tức báo sự việc cho một trong các nơi như: UBND phường/xã/thị trấn, công an, cơ quan lao động thương binh và xã hội các cấp, hệ thống đường dây nóng: 111, 113, 1900 545559, 1800 9069. Sau 2 giờ từ lúc nhận tin báo, cán bộ phải báo cáo kiểm chứng thông tin. Chủ tịch UBND phường, xã cấp giấy giới thiệu đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị khẩn cấp, đồng thời thông báo cho công an. Chậm nhất 2 giờ từ khi tiếp nhận, bệnh viện phải có chẩn đoán ban đầu. Từ lúc nhận thông báo của bệnh viện, trong vòng 8 giờ chủ tịch UBND phường, xã phải kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm chứng cứ đến công an...
Sau khi tiếp nhận kiến nghị này, trong vòng 3 ngày, công an phường, xã phải gửi hồ sơ đến cấp huyện. Trong vòng 12 giờ sau đó, công an huyện phải ra quyết định trưng cầu giám định đối với nạn nhân. Tiếp đó, công an quận, huyện gửi hồ sơ vụ việc cho Viện kiểm sát xem xét khởi tố vụ án trong 1 ngày. Trong quá trình thẩm định, xác minh hồ sơ, tất cả các thông tin liên quan đến nạn nhân và gia đình đều phải được bảo mật.
Có thể nói, theo quy trình mới này, các trường hợp bị bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em sẽ được xử lý tiếp nhận 24/24 và tính bằng giờ, phút chứ không còn tính tháng, năm như trước nay.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 20 vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Trong đó, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận, thụ lý 17 vụ với 18 đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số được tiếp nhận, khai báo còn những con số thực tế không được khai báo, tố giác thì có khả năng còn nhiều hơn thế. Vì vậy, đã đến lúc người lớn, các đơn vị, cơ quan cần đồng bộ tham gia tố giác, phát hiện để bảo vệ trẻ em.