Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo UBND các quận 2, 7, 8, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn và huyện Bình Chánh cùng phối hợp với Sở Giao thông vận tải khẩn trương tổ chức kiểm tra, khảo sát các khu vực ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao để lập kế hoạch ứng phó, xử lý.
Trong khi đó, UBND các quận, huyện cũng cần thường xuyên kiểm tra và tích cực vận động nhân dân, doanh nghiệp tháo dỡ công trình lấn chiếm sông, kênh, rạch; di dời vật liệu, hàng hóa trên hành lang bảo vệ bờ vào bên trong nhằm giảm tải tại các khu vực sạt lở, kiên quyết xử phạt và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ nếu không chấp hành.
Những khu vực ven sông, kênh rạch thường có nguy cơ sạt lở cao khi vào mùa mưa bão. Ảnh: Anh Đức |
Đối với các vị trí sạt lở ở cấp độ nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, UBND các quận, huyện cần thực hiện việc di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng có trách nhiệm chủ trì, tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố.
Trước đó ngày 27/6, một vụ sạt lở ven rạch Giồng, sông Kinh Lộ tại ấp 3 (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) đã làm 5 căn nhà bị hư hại nghiêm trọng, hàng chục người phải sơ tán khẩn cấp trong đêm. Sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu UBND huyện Nhà Bè phối hợp với Sở Giao thông vận tải khắc phục sự cố sạt lở phía bờ trái rạch Giồng sông Kinh Lộ; thực hiện khoanh vùng sạt lở, tổ chức di dời khẩn cấp và sắp xếp nơi định cư an toàn cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng…