TP Hồ Chí Minh: Cán bộ không nên ngồi bàn giấy duyệt quy hoạch đô thị

Các cơ quan, đơn vị quản lý không nên ngồi bàn giấy duyệt dự án quy hoạch đô thị mà cần đi xuống cơ sở, thực tế để thực hiện khảo sát, lấy ý kiến người dân đối với các dự án quy hoạch...

Đây là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến tại phiên giải trình về quy hoạch, thực hiện quy hoạch các khu vực có chức năng giáo dục, quy hoạch công viên - cây xanh trong đồ án phân khu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào ngày 27/11.

Còn nghịch lý giữa các quận huyện

Theo Sở Quy hoạch và kiến trúc TP Hồ Chí Minh, tổng diện tích quy hoạch đất dành cho công viên cây xanh trên địa bàn khoảng 11.419 hecta. Trong đó, khu vực 13 quận nội thành chiếm 8,3%, 6 quận mới chiếm 33%, 5 huyện ngoại thành chiếm 60%. Thực tế, diện tích cây xanh đã được triển khai chỉ khoảng 491 ha so với tổng diện tích quy hoạch chung. Trong khi đó, hiện trạng phân bố công viên cây xanh ở khu vực các quận nội thành  đạt 55,6%, 6 quận mới đạt 35%, 5 huyện ngoại thành đạt 9,4%.

Chú thích ảnh
Đa số đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố nên dành quỹ đất nhiều hơn cho công viên cây xanh, giáo dục.

Liên quan đến mât độ công viên cây xanh triển khai còn chậm và có sự chệnh lệnh khá lớn ở ngoại thành và nội thành, đại biểu Trương Trung Kiên cho rằng, quy hoạch đô thị chung của thành phố đã có các khu vực chức năng dành cho giáo dục, công viên cây xanh với diện tích khá cao tuy nhiên qua giám sát thực tế của HĐND Thành phố, diện tích dành cho cây xanh, giáo dục của thành phố đều đã đang giảm. Ngoài ra, mật độ cây xanh trong nội thành cao hơn so với ngoại thành, cho thấy công tác quy hoạch chung và việc triển khai đang tồn tại những nghịch lý. Lẽ ra các quận huyện mới, quận huyện ngoại thành, với nguồn quỹ đất “sạch” lớn thì việc triển khai quy hoạch cây xanh, giáo dục sẽ tăng cao nhưng thực tế lại thấp hơn các quận nội thành?

Đại biểu Trương Lâm Danh cũng cho biết, khi thực hiện khảo sát lấy ý kiến của người dân về việc thực hiện quy hoạch đất dành cho công viên cây xanh và giáo dục, đa số người dân không phản đối nhưng điều họ quan tâm là khi nào quy hoạch đó được thực hiện, nếu không thực hiện thì thành phố có phương án gì để giải quyết các vướng mắc cho địa phương, tránh tình trạng quy hoạch xong để dự án treo hàng chục năm, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Cũng liên quan đến quy hoạch đất dành cho giáo dục ở khu vực ngoại thành, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt băn khoăn: “Điều kiện ngoại thành thuận lợi phát triển trường lớp nhưng không hiểu sao việc phát triển các dự án giáo dục lại chậm hơn so với nội thành. Nội thành có thể xã hội hóa các dự án, còn ngoại thành nên triển khai dựa vào ngân sách và đẩy nhanh tiến độ các dự án dành cho giáo dục”.

Lý giải nguyên nhân vì sao các dự án dành cho công viên cây xanh, giáo dục còn triển khai chậm tại thành phố, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, cho rằng tình trạng thiếu mảng xanh trong đô thị và nhiều nơi mảng xanh phân bố không đều xuất phát từ việc bố trí ngân sách cho đầu tư xây dựng công viên cây xanh còn hạn chế. Các nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa chưa được khai thông do chưa có chính sách hấp dẫn, còn vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thành hết trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình trường học, công viên cây xanh… Nguồn lực ngân sách dành cho giáo dục mặc dù được quan tâm, ưu tiên bố trí nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Thay đổi tư quy quy hoạch

Nhìn nhận các dự án dành cho giáo dục, công viên cây xanh trong tổng thể quy hoạch thành phố còn ít và triển khai chậm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, cho rằng, các cơ quan, đơn vị quản lý không nên ngồi bàn giấy duyệt dự án quy hoạch công viên, cây xanh và giáo dục mà cần đi xuống cơ sở, thực tế khảo sát, đánh giá công tác thực hiện ra sao, có tác động đến người dân thế nào để xây dựng quy hoạch chung cho phù hợp. Đối với những dự án không khả thi, thành phố sẽ tổng kết, rà soát lại để chuyển hướng thay đổi công năng, chuyển mục đích dự án hoặc thay đơn vị chủ đầu tư để dự án sớm được thực hiện.

Chú thích ảnh
Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, cán bộ làm công tác quy hoạch cần phải thay đổi tư duy làm quy hoạch.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, TP Hồ Chí Minh đang có khoảng 10 triệu dân, nhu cầu về cơ sở hạ tầng để phát triển giáo dục, văn hóa, y tế, kinh tế rất lớn. Với việc tăng dân số cơ học khá nhanh đã khiến công tác quy hoạch quỹ đất dành cho giáo dục, công viên cây xanh chưa theo kịp. Do đó để đẩy nhanh tiến độ các dự án dành cho công viên, cây xanh trước mắt thành phố sẽ thuê tư vấn, thiết kế kiến trúc mảng xanh đô thị theo đặc thù của thành phố. Về lâu dài, thành phố sẽ đôn đốc các quận huyện đẩy nhanh thực hiện các quy hoạch đất dành cho công viên, giáo dục còn đang dở dang. Nếu có vướng mắc thủ tục hành chính cấp phép thì cần Sở Tài nguyên và môi trường can thiệp giải quyết, nếu vướng đền bù giải tỏa thì cần ghi nhận ý kiến người dân để bố trí các khu vực tái định cư phù hợp cho người dân. Các dự án xây xanh, công viên khi triển khai có thể huy động nguồn lực xã hội hóa, trong đó ngân sách nhà nước có thể bỏ ra đầu tư đường xá, giao thông còn các dịch vụ, thương mại ở công viên cây xanh có thể kêu gọi doanh nghiệp tham gia.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, cán bộ làm công tác quy hoạch cần phải thay đổi tư duy làm quy hoạch. Khi duyệt quy hoạch cần theo tiêu chí tăng diện tích trường học, cây xanh đô thị ở cả ngoại thành và nội thành. Một thành phố với mật độ dân số quá cao nhưng mật độ cây xanh lại thấp thì cuộc sống người dân ở thành phố đó sẽ thấy rất ngột ngạt, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, không gian công cộng quá ít sẽ tạo sự ức chế về tâm lý người dân rất lớn.

“Ngoài ra, các tiện ích công trình dành cho giáo dục, công viên cây xanh, công trình công cộng…chậm triển khai do vướng thu hồi đất, hoặc do người dân không đồng tình, cán bộ cần lắng nghe và điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp. Cụ thể có quy hoạch kéo dài 10-20 năm không được triển khai. Lúc bắt đầu lập quy hoạch, gia đình có 2 vợ chồng, đến khi con cái người ta lớn lập gia đình mới thực hiện quy hoạch khi đó cán bộ quy hoạch cần tính đến thiệt hại cho người dân. Cần tái bố trí nhà ở, công ăn việc làm cho đại gia đình chứ không chỉ đền bù thiệt hai cho hai vợ chồng”, bà Tâm cho biết thêm.

Quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 đề ra chỉ tiêu cây xanh khu vực nội thành hiện hữu là 2,4 m2/người, khu vực nội thành phát triển mới là 7,1 m2/người, khu vực ngoại thành là 12 m2/người. Hiện tại, mật độ công viên cây xanh tại thành phố vẫn chưa đến 1 m2/người, diện tích cây xanh giữa các quận huyện phân bổ không đồng đều nên có tình trạng nhiều khu vực mảng xanh lớn nhưng cũng có khu vực khu dân cư chen chúc, bí bách mảng xanh.

 

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Quy hoạch đô thị TP Hồ Chí Minh cần giải quyết các vấn đề dân sinh
Quy hoạch đô thị TP Hồ Chí Minh cần giải quyết các vấn đề dân sinh

Việc quy hoạch đô thị hợp lý sẽ giúp TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững, giảm gánh nặng đầu tư và khắc phục các vấn đề dân sinh đang ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN