Do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể đã dẫn đến tình trạng người lao động mất việc gia tăng. Do đó, từ đầu năm 2012 đến nay, nhiều điểm đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại TP Hồ Chí Minh lại quá tải.
Doanh nghiệp giảm tuyển dụng lao động
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) trong 3 tháng đầu năm 2012, thành phố có khoảng 5.021 doanh nghiệp gửi thông báo ngưng hoạt động đến Cục thuế TP.HCM, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Tại các KCX - KCN trên địa bàn thành phố cũng có hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ ngừng hoạt động. Bởi vậy, tình trạng người lao động bị mất việc đã tăng lên.
Lượng người đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM ngày càng đông. |
Anh Hoàng Văn Vũ, từng làm IT cho một công ty chứng khoán trên địa bàn TP.HCM cho biết: Trước khi nghỉ Tết, công ty tuyên bố giải thể và tôi cũng thất nghiệp từ đó đến nay. Sau Tết, tôi đã nộp hồ sơ cho nhiều công ty và đăng thông tin tìm việc trên mạng nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được công việc phù hợp.
Theo Trung tâm giới thiệu việc làm của Ban quản lý các KCX - KCN TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp giảm đi đáng kể. Cụ thể, trong những năm trước, mỗi tuần có từ 40 - 50 doanh nghiệp đăng ký với trung tâm để tuyển dụng hàng ngàn lao động. Nhưng hiện nay mỗi tuần trung tâm chỉ nhận được vài thông báo tuyển dụng với số lượng công việc rất ít. Vào đầu tháng 4, trung tâm tổ chức sàn giao dịch việc làm lần thứ 3 nhưng chỉ có 8 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động trực tiếp, số lượng tuyển giảm 50% so với những phiên trước.
Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban quản lý các KCX - KCN TP.HCM cho biết: Nếu vào cuối năm 2010 các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng cho năm 2011 là 50.000 lao động thì đến cuối năm 2011 các doanh nghiệp chỉ đăng ký cho năm 2012 là 30.000 lao động. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chỉ có xu hướng tuyển lao động với số lượng nhỏ, hầu như không còn doanh nghiệp đăng bảng tuyển lao động với số lượng lớn trên 1.000 lao động như trước đây. Hầu hết doanh nghiệp không mở rộng sản xuất mà cố gắng ổn định, duy trì sản xuất để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Số người thất nghiệp tăng
Cũng theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong quý I/2012, TP.HCM có 28.988 người lao động đăng ký thất nghiệp, trong đó có 16.803 người đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 8.804 người so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, thành phố đã quyết định xét hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 11.062 người, tăng 1.9 người so với cùng kỳ. Hiện mỗi ngày tại trụ sở chính của Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM (153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh) có từ 500 - 600 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm.
Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM cho biết: Do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc cắt giảm lao động nên tỷ lệ người đăng ký thất nghiệp gần đây tăng cao. Cụ thể, trong tháng 3, lượng người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đã lên tới 17.000 người. Có những ngày trung tâm tiếp nhận hàng ngàn người đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc. Trong số những người đến đăng ký thất nghiệp, phần đông thuộc khu vực sản xuất công nghiệp và người thất nghiệp chủ yếu thuộc những ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da…
Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM, quý I/2012, BHXH đã giải quyết chế độ thất nghiệp cho gần 16.000 người, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến trong quý II, con số chi trả bảo hiểm thất nghiệp sẽ còn tăng.
Bên cạnh những nguyên nhân làm cho số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng trong thời gian qua như: doanh nghiệp bị giải thể, lao động bị cắt giảm, lao động không tìm được việc làm sau khi nghỉ việc… thì hiện nay lại đang phát sinh tình trạng công nhân sau một năm làm việc lại xin nghỉ việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, mặc dù ngay sau đó họ đã tìm được việc làm.
Đại diện Phòng nhân sự Công ty TNHH Kyung Rhim Vina (quận Bình Tân) cho biết: Hiện nay, Luật Bảo hiểm thất nghiệp có nhiều bất cập và điều này đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Có những thời điểm công ty chúng tôi nhận được gần 300 đơn xin nghỉ việc của công nhân hết thời hạn hợp đồng một năm. Nguyên nhân chủ yếu là họ xin nghỉ việc ở công ty để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhưng thực tế, số lao động này không thất nghiệp quá thời hạn quy định nhưng họ vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay để quản lý và kiểm tra số người thất nghiệp thật sự thì rất khó. Bởi vậy, điều này cũng gây không ít khó khăn cho các đơn vị BHXH.
Bài và ảnh: Đan Phương