Các ngành, các cấp TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, chăm lo cho đời sống công nhân; lãnh đạo thành phố (TP) cũng đã có những buổi lắng nghe để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, từ đó có những chính sách hỗ trợ kịp thời, hợp lý.Chia sẻ khó khănKhu nhà trọ của cô Tư Thành (Nguyễn Thị Thành) ở xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) nhiều năm nay hầu như không lúc nào có phòng trống. Các công nhân đến trọ tại đây đều quý mến và yêu thương cô Tư như là người thân trong gia đình mình. Khu nhà trọ sạch sẽ, có hẳn một khu đất rộng để công nhân có chỗ chơi bóng sau giờ lao động mệt nhọc. Điều đặc biệt là 3 - 4 năm nay, giá thuê phòng trọ tại đây vẫn giữ nguyên giá điện, nước sinh hoạt và các chi phí khác được chủ nhà thu theo giá quy định của Nhà nước… Cách làm này đã hỗ trợ rất nhiều cho công nhân trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đây được xem là một trong những địa chỉ “Phòng trọ nghĩa tình” mà ngành lao động TP triển khai thực hiện để chăm lo thiết thực cho đội ngũ công nhân đang sống và làm việc trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trao tặng “Căn phòng mơ ước” cho gia đình thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn.Ảnh: Mạnh Linh |
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 50.000 chủ nhà trọ cho thuê cam kết không tăng giá thuê nhà, giá điện, nước đến cuối năm. Đây là phong trào do Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát động, đã thực hiện trong 4 năm qua, giúp cho trên 1 triệu người thuê trọ - chủ yếu là công nhân, an tâm trong cuộc sống. Ngoài việc không tăng giá phòng trọ, các chủ nhà trọ còn chia sẻ khó khăn với công nhân như: Tổ chức liên hoan, tặng quà cho công nhân không về quê ăn Tết, trông con nhỏ cho công nhân đi làm, thu tiền điện, tiền nước đúng giá…
TP Hồ Chí Minh có khoảng 1,3 triệu công nhân, lao động. Đây chính là lực lượng nòng cốt đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của TP. Những năm qua, các cấp, các ngành và công đoàn TP đã thực hiện nhiều hoạt động chăm lo, ngày càng đi vào chiều sâu hơn, giúp đời sống vật chất cũng như tinh thần của đội ngũ công nhân tại thành phố dần được nâng lên.
Theo đó, ngoài “Tháng công nhân”, các hoạt động chăm lo được thực hiện thường xuyên trong năm như: Thăm hỏi, tặng quà công nhân vào các dịp lễ, Tết, ốm đau; hỗ trợ công nhân ổn định chỗ ở; đưa hàng Việt giá rẻ xuống công nhân… Nhiều chương trình thực sự có ý nghĩa lớn đối với người lao động, như chương trình “Tấm vé nghĩa tình” hỗ trợ vé xe cho công nhân về quê đón Tết, chương trình “Trái tim nghĩa tình” hỗ trợ công nhân chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo và đã có hàng ngàn lượt công nhân được vay vốn để đi học, làm ăn từ Quỹ hỗ trợ công nhân thành phố… Anh Bùi Minh Hùng, công nhân Công ty TNHH MTV Cây xanh TP, nghẹn ngào chia sẻ: “Nhờ có chương trình “Trái tim nghĩa tình” mà tôi có cơ hội tiếp tục sống, làm việc nuôi sống gia đình và cống hiến cho xã hội. Sự quan tâm của các cấp công đoàn giúp cho những hoàn cảnh kém may mắn như tôi lại tìm thấy niềm tin trong cuộc sống và gắn bó với công việc”.
Theo ông Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất TP Hồ Chí Minh, những việc làm trên dù chưa đáp ứng được hết nhu cầu của công nhân, nhưng một phần nào đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của họ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Đi sâu sát cùng công nhânKhông chỉ các ngành, các cấp công đoàn quan tâm đến đời sống công nhân mà lãnh đạo TP cũng luôn “đi sâu đi sát”. Mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy TP, đã cùng các sở, ngành xuống các khu nhà trọ công nhân ở Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức… để thăm, tặng quà cho các chủ nhà trọ và thăm hỏi cuộc sống của công nhân tại đây. Trước đó, bà cũng đã có nhiều buổi tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của công nhân, người lao động tại một số khu công nghiệp.
Tại các buổi tiếp xúc, qua ý kiến kiến nghị của công nhân, các cấp lãnh đạo TP cũng đã chỉ đạo các ngành, các cấp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nghiên cứu thêm những chính sách hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi công nhân về y tế, bảo hiểm xã hội, nhà lưu trú; chính sách trả lương, thưởng cho công nhân… Nhiều đề án như đề án "Chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non từ 6 - 18 tháng tuổi” để giúp công nhân an tâm công tác; hay phát triển nhà lưu trú cho công nhân; hỗ trợ công nhân bị nợ lương, thất nghiệp… là những chương trình ra đời từ sự lắng nghe, chia sẻ của lãnh đạo TP với công nhân.
“Các cấp, ngành TP cần thường xuyên quan tâm, chăm lo tới đời sống của công nhân. Tổ chức công đoàn các cấp phải tập trung các hoạt động thiết thực hướng về cơ sở, tập trung vào địa bàn có đông công nhân, lấy việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động làm trung tâm, mục tiêu hoạt động…”, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, khẳng định.
Theo ông Lê Thanh Hải, TP cần tiếp tục duy trì các chương trình như “Bàn tay vàng” góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố và đặc biệt là nâng cao chất lượng chương trình “Trái tim nghĩa tình” vì đây là những chương trình có tính nhân văn sâu sắc, mang lại niềm hạnh phúc cho công nhân. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cần phải đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Trưởng phòng Lao động, Ban quản lý KCX-KCN TP Hồ Chí Minh:
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm
Nhiều công nhân vẫn phải đối mặt với những khó khăn về thu nhập thấp, điều kiện sinh hoạt bấp bênh, nhà ở tạm bợ, thiếu nơi chăm sóc con cái… bởi doanh nghiệp chưa có sự quan tâm đúng mức trong việc chăm lo đời sống cho công nhân. Hiện nay còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp nợ hoặc chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, dẫn đến không thể chốt sổ bảo hiểm cho người lao động. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, vì không có sổ bảo hiểm xã hội, công nhân không được thanh toán trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc, đặc biệt khi chuyển sang công ty khác sẽ không được tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Ngành quản lý sẽ siết chặt vấn đề này để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Bà Phạm Thị Trang, Giám đốc Quỹ hỗ trợ công nhân KCX-KCN TP Hồ Chí Minh:
Xây dựng sân chơi lành mạnh
Để công nhân có những sân chơi lành mạnh sau giờ làm việc vất vả, chúng tôi thường xuyên tổ chức những buổi diễn văn nghệ, nói chuyện chuyên đề, được công nhân hưởng ứng rất nhiệt tình. Chúng tôi đã xây dựng được một số tủ sách cho công nhân ở các khu lưu trú. Đặc biệt, có hệ thống phát thanh dành cho công nhân; bên cạnh phát đi những tin tức thời sự, những chính sách pháp luật, còn có chương trình quà tặng âm nhạc để công nhân có thể gửi gắm tình cảm của mình. Không những thế, chúng tôi còn có quỹ cho công nhân vay vốn không lãi suất để đi học. Từ nguồn quỹ này, nhiều công nhân đã tốt nghiệp các trường CĐ, ĐH và có được việc làm với mức lương hấp dẫn hơn.
Ông Đoàn Văn Vỹ, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trường Lợi:
Để công nhân gắn bó với công ty
Công ty chúng tôi luôn có những chế độ, chính sách chăm lo cho đời sống của công nhân đang làm việc tại công ty. Khó khăn nhất của công nhân vẫn là vấn đề nhà ở, để chia sẻ, mỗi tháng chúng tôi hỗ trợ cho công nhân thêm 200.000 đồng tiền thuê nhà. Vào cuối năm, công ty thưởng thêm lương tháng 13. Đối với những công nhân có hoàn cảnh khó khăn công ty hỗ trợ vé về quê ăn Tết và tặng quà. Vào những ngày lễ như 8/3, 20/10, Tết dương lịch… công ty tổ chức hội thao, văn nghệ, nói chuyện chuyên đề về pháp luật, sức khỏe; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Nhờ những hành động thiết thực trên, công ty luôn có một lực lượng lao động ổn định, gắn bó và làm việc hết mình vì công ty. |
Đan Phương - M.T