Ngày 4/8, bác sỹ Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Quan Sơn, Thanh Hóa cho biết, ngày 3/8, bệnh viện đã tiếp nhận 2 bệnh nhân là anh Hoàng Xuân Luyến, 45 tuổi và Lương Văn Chon, 52 tuổi, cùng ở bản Sa Ná, xã Na Mèo với tình trạng đa chấn thương, toàn thân bị xây xước.
Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân Luyến và Chon sức khỏe ổn định, ăn uống bình thường, tuy nhiên, bệnh nhân Chon do ngâm dưới nước lâu nên bị sốt, cảm lạnh. Hiện bệnh viện đang theo dõi tình hình sức khỏe và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý cho các bệnh nhân.
Nằm tại giường bệnh, ông Lương Văn Chon kể lại: Lúc đó, khoảng 5 giờ sáng 3/8, tôi thấy trời mưa to và nước sông Luồng đang lên cao nên liền chạy vào nhà cũ lấy thóc mang sang ngôi nhà sàn cách đó vài trăm mét để cất. Đến gần 7 giờ nước sông rút tôi đi từ nhà sàn sang bên nhà cũ xem mẹ và vợ cùng các cháu thế nào thì thấy căn nhà cũ bị lũ cuốn trôi. Những người trong nhà thấy vậy liền chạy lên khu nghĩa trang trên rừng tránh nạn. Cùng lúc đó ngôi nhà sàn của gia đình tôi cũng bị nước lũ cuốn trôi. Tôi bị dòng nước đẩy đi gần 3 km. Tôi cố gắng vùng vẫy trong nước lũ, khua tay bấu víu các thân cây. Lúc này tôi xác định chỉ có chết vì nước lũ to quá mà mình thì sức kiệt, vừa đói, vừa rét run...
Theo ông Chon, đến 15h30 cùng ngày, có một người tiếp cận được ông và nhường dây cứu hộ, ông Chon dùng hết sức bám trụ để vào bờ. Được biết, thời điểm xảy ra sự việc, trong nhà ông Chon có mẹ già 98 tuổi, vợ và 2 cháu nội, ngoại đang còn nhỏ. Rất may mọi người đã chạy kịp lên rừng tránh nạn. Toàn bộ 2 ngôi nhà cùng các tài sản khác như xe máy, tủ lạnh, ti vi… bị nước lũ cuốn trôi.
“Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa bao giờ thấy trận lũ nào to như vậy. Chỉ nhìn thấy nươc sông dâng cao chảy cuồn cuộn và những cây cối to đổ ngã kín đặc sông” - ông Chon bàng hoàng kể lại.
Nằm cạnh giường bên, anh Hoàng Xuân Luyến cho biết: Thời điểm xảy ra sự việc, tôi đưa vợ và 2 con sang nhà anh trai tá túc. Đến lúc quay về nhà tìm lấy bếp ga thì bất ngờ bị nước cuốn trôi cả nhà lẫn người. Tôi cố gắng bám vào khúc luồng và bám chặt cành tre rồi bò lên bờ. Đến khoảng 10 giờ, có người tìm thấy và đưa tôi vào trạm xá.
Hiện nay, Bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn cũng đã điều động phương tiện chia làm 2 tổ cấp cứu lưu động ở xã Na Mèo và xã Sơn Thủy phối hợp với lực lượng chức năng để tiếp nhận chữa trị cho những người bị thương.
Ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo, huyện Quan Sơn cho biết: hiện có khoảng 1.000 người thuộc nhiều lực lượng đang khẩn trương tiếp cận bản Sa Ná. Nước sông Luồng đang rút nhưng khá chậm, dự kiến đến đầu giờ chiều, đội cứu hộ có thể vượt sông bằng xuồng chuyên dụng của công an để tham gia cứu hộ và tiếp ứng lương thực thực phẩm, nước uống cho người dân.
Cũng theo ông Tiệu, trong tối 3/8, một nhóm cán bộ biên phòng khoảng 10 người đã vượt rừng vào đến Sa Ná song chỉ đi được người không mà không mang theo được thiết bị cứu trợ hay lương thực, thuốc men gì. Đến sáng 4/8, có thêm 10 người nữa vào trong bản. Toàn xã Na Mèo còn 4 bản bị cô lập gồm Bản Sa Ná, bản Son, bản Ché Lầu và bản Cha Khót. Riêng bản Sa Ná cách Quốc lộ 217 khoảng 7 km có 74 hộ dân với khoảng trên 300 người. Hiện tại xã đã ghi nhận còn 10 người dân không thể liên lạc được, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được triển khai.
Trước tình hình mưa lũ đang còn diễn biến phức tạp, các thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quan Sơn đã thường trực tại các địa bàn xã, khu vực xung yếu để chỉ đạo công tác phòng, chống và giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể xảy ra do lũ ống, lũ quét; phân công cán bộ, lực lượng chiến sỹ thường xuyên bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết và các tình huống có thể xảy ra.
Hiện nay các lực lượng Công an, Quân sự, Bệnh viện đa khoa huyện và lực lượng tại chỗ đang khẩn trương chi viện ứng cứu người mất thông tin liên lạc.