Thành phố Hồ Chí Minh không phải là cái nôi của nghề đúc đồng, thế nhưng nghề đúc đồng nơi đây cũng đã từng trải qua một thời phồn vinh và hưng thịnh. Ngày nay, tuy nghề đúc đồng không còn phát triển như xưa, nhưng vẫn còn những nghệ nhân không rời bỏ nghề, đơn giản vì họ muốn lưu giữ một nét đẹp truyền thống.
Một thời vang bóng
Nghề đúc đồng ở TP Hồ Chí Minh có tuổi đời hơn 200 năm và những sản phẩm làm ra có mặt khắp Nam kỳ lục tỉnh, thậm chí xuất sang cả các nước như: Campuchia, Lào, Mianma… Địa danh nổi tiếng với nghề đúc đồng có thể kể đến là Chợ Lớn với những sản phẩm nổi tiếng như chảo đồng, ô đồng, lư hương, chân đèn, bình bông, tượng phật, đồ tam khí… Khi nghề đúc đồng phát triển, nó được nhân rộng sang các khu vực khác, trong đó có làng An Hội thuộc phường 12, quận Gò Vấp ngày nay.
Nghệ nhân đúc đồng không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ mà còn cần thổi được hồn vào tác phẩm đó. |
Theo ông Trần Văn Thắng, nghệ nhân làng đúc đồng An Hội, nghệ nhân khai sáng làng nghề đúc đồng An Hội là ông Trần Văn Kỉnh. Ông Kỉnh từ An Hội vào Chợ Lớn học nghề với mục đích kiếm kế sinh nhai, thế nhưng sau khi học được nghề, ông yêu nghề từ lúc nào không hay và ông đã huy động anh em, bà con làm theo. Ông Thắng nhớ lại: “Vào thời đó, khắp An Hội, từ trẻ con cho đến người lớn đều bám nghề cả.
Nghề đúc đồng phát triển đến nỗi vào ngày cận Tết, người làm, người giao hàng rồi khách đặt hàng ra vào khiến cho không khí trong vùng lúc nào cũng sôi động. Chưa kể, người khắp nơi kể cả ở miền Trung, miền Tây Nam bộ cũng về xin học nghề rất đông. Có thể nói bấy giờ nghề đúc lư đồng giúp bà con trong vùng có cuộc sống sung túc. Làng An Hội thời kỳ hưng thịnh có đến 40 hộ mở cơ sở sản xuất”.
Rời làng Ngũ Xã (nay là phố Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội) vào năm 1955, ông Nguyễn Vinh Hiển theo bố mẹ và ông bà ngoại vào vùng đất Cống Bà Xếp (nay gọi là khu Hòa Hưng, quận 3) để mưu sinh. Trong đợt này còn có 5 gia đình khác trong làng Ngũ Xã cũng di cư vào vùng đất Cống Bà Xếp để mưu sinh. Họ cùng nhau gây dựng cơ nghiệp và tiếp tục phát huy nghề đúc đồng truyền thống trên miền đất này. “Từ lúc 7 tuổi, tôi đã được cha mẹ truyền nghề. Kế nghiệp cha mẹ, tôi đã cố công đưa những sản phẩm đúc đồng của làng Ngũ Xã có mặt khắp khu vực phía Nam”, ông Nguyễn Vinh Hiển tâm sự. Chính vì vậy, những sản phẩm thủ công do những người gốc làng Ngũ Xã làm ra đã được khắp nơi biết đến, dần dần hình thành làng nghề đúc đồng Hòa Hưng nức tiếng cả vùng đất phía Nam vào khoảng năm 1970. Làng nghề này không chỉ đúc đồng tam khí mà còn phát triển thêm hình thức đúc đồng đỏ nguyên chất có giá trị cao hơn. Có gia đình có đến vài chục lò đúc với hàng chục nhân công.
Theo các nghệ nhân đúc đồng, muốn trở thành một người thợ đúc đồng giỏi phải thành thục 5 quy trình gồm: Kỹ thuật làm mẫu; tạo khuôn; pha chế đồng, nấu đồng và rót đồng; sửa nguội; chạm khắc và đánh bóng. Khó nhất là ra mẫu và đúc thành phẩm. Bởi nếu đúc ra hư, không giống khuôn mẫu thì phải bỏ, vừa tốn thời gian, công sức và cả kinh phí. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là làm sao tạo được “hồn” cho mỗi sản phẩm, nhất là những sản phẩm tạc đúc tượng người. Do đó, người đúc đồng bên cạnh đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo, sức khỏe tốt còn phải biết “thổi hồn” vào tác phẩm đó.
Gian nan tìm người kế nghiệp
Đặc trưng của nghề đúc đồng thủ công là phải chạm trổ nên đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn, kiên nhẫn và khéo léo. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều người bỏ nghề. Vì cùng một khoảng thời gian đó, nếu làm công việc khác họ sẽ có thu nhập cao hơn. Anh Trần Văn Minh, một thợ đúc đồng, buồn rầu nói: “Ngày nay, ít ai muốn làm nghề đúc đồng. Giá bán trung bình một bộ lư khoảng 2 triệu đồng nhưng phải mất rất nhiều công sức và kinh phí… Chẳng hạn làm một bộ lư đồng ít nhất mất 3 ngày công, nguyên liệu trung bình từ 10 đến 30 kg đồng. Vài năm trước, mỗi kilôgam đồng chỉ vài chục ngàn đồng nhưng đến nay lên đến hơn 100.000 đồng/kg, tiền mua đất sét làm khuôn cũng tăng cao. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, nhiều người đã quyết định bỏ nghề đúc đồng vì không thể làm nghề theo cách lấy công làm lãi”.
Trải qua gần 60 năm, làng nghề đúc đồng Hòa Hưng một thời hưng thịnh, nay chỉ còn vợ chồng ông Hiển vẫn ngày đêm cặm cụi với nghề tổ để lại. Ba người con của ông dù được truyền nghề từ lúc lên 10 tuổi nhưng giờ đều bỏ cuộc, bởi ai cũng muốn có một công việc cho thu nhập cao hơn. Chỉ những lúc rảnh rỗi, ba người con mới về nhà giúp bố mẹ làm những sản phẩm đồng truyền thống. Ông Hiển cho biết: “Khách hàng vẫn thường tìm đến tôi để đặt hàng nhưng chúng tôi chỉ làm cho khách thân quen. Bây giờ, bình quân mỗi tháng vợ chồng tôi làm khoảng 1 hoặc 2 tượng đồng, với thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng cũng đủ trang trải cho cuộc sống”.
Gia đình ông Thắng, ông Hiển và một số gia đình khác vẫn luôn tìm cách giữ nghề. Ông Thắng chia sẻ: “Tôi là người Sài Gòn gốc. Đến tôi là đời thứ tư làm nghề này. Gần cả cuộc đời gắn bó với nghề, nghề ăn vào máu mình lúc nào không hay. Nghề của ông cha được lưu truyền gìn giữ từ đời này sang đời khác khiến tôi không thể xa nghề”.
Theo quy ước xưa của nhiều làng nghề đúc đồng truyền thống là không được truyền nghề cho người ngoài. Tuy vậy, trước nguy cơ thất truyền, ông Hiển đã tìm được vài người trẻ để truyền nghề. Buồn thay, sau vài năm gắn bó, những người trẻ đó đã bỏ nghề do không chịu được vất vả, hoặc không đủ kiên nhẫn để học. “Trăn trở nhất là vẫn chưa tìm được người để truyền nghề, bao nhiêu kinh nghiệm mà mình tích lũy lại bây giờ không ai theo để truyền dạy lại nên phí. Chắc khoảng hai năm nữa, tôi cũng phải dừng làm nghề vì sợ không còn đủ sức khỏe. Tuy nhiên, để giữ gìn và phát triển nghề, tôi sẽ viết cuốn gia phả của làng nghề đúc đồng, nêu hết các kỹ thuật, bí quyết… để những người nào muốn học nghề khi đọc cuốn sách này thì có thể làm được”, ông Hiển tâm sự.
Bài và ảnh: Đan Phương