Trăn trở với các khoản thu tự nguyện

Năm học mới 2014 - 2015 đã đến, bên cạnh sự háo hức của thầy và trò cùng sự nỗ lực của các địa phương thì thực tế vẫn còn không ít những bộn bề, lo lắng, băn khoăn.

 

Năm học 2014 - 2015 vừa qua là năm học thứ hai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhiệm vụ của năm học này đang đặt lên vai ngành giáo dục một trọng trách lớn bởi lẽ đang có nhiều vấn đề bức xúc về giáo dục, nhiều trăn trở, nhiều câu hỏi lớn mà vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Trong đó, phải kể đến các “căn bệnh nan y” chưa tìm ra thuốc chữa của ngành giáo dục bấy lâu nay như “chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy điểm”, “lạm thu”, “dạy thêm, học thêm”… với nhiều biến tướng làm lu mờ hình ảnh người giáo viên trong nhà trường và toàn xã hội.


Hiểu đúng về “xã hội hóa”


Với phụ huynh học sinh, mối quan tâm về các khoản đóng góp đầu năm học đang trở thành đề tài nóng hổi. Vẫn biết rằng, việc chăm lo, bảo đảm điều kiện cho con em mình học tập là trách nhiệm, nghĩa vụ và nguyện vọng chính đáng của các bậc làm cha mẹ. Song, không thể không băn khoăn, suy nghĩ trước các khoản đóng góp cho con nhân dịp đầu năm học mới, mà trong đó, có những khoản đóng góp được định danh là “tự nguyện”, là “thỏa thuận”, là “xã hội hóa”… Trên thực tế, từ bấy lâu nay, chúng ta đang hiểu chưa đúng thực chất của “xã hội hóa giáo dục”.

 

Vào năm học mới, phụ huynh học sinh luôn đau đáu về các khoản thu đầu kỳ học. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

 

Đối với các nhà trường, quan niệm “xã hội hóa” chỉ đơn thuần là sự đóng góp từ phía phụ huynh học sinh và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (nếu có). Có nhiều khoản thu “tự nguyện”, “thỏa thuận” với hình thức, cách làm của nhà trường khiến phụ huynh không khỏi băn khoăn suy nghĩ. Vì những khoản thu này đang trở thành gánh nặng đối với các gia đình nghèo, công chức, viên chức, người lao động thu nhập thấp trước thềm năm học mới.


Xin nêu một ví dụ điển hình, chuẩn bị vào năm học mới, nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái tổ chức hệ thống hóa kiến thức cho học sinh. Việc hệ thống kiến thức vài ngày trước khi bước vào năm học mới là quan trọng, được phụ huynh đồng tình ủng hộ và nghiêm túc thực hiện. Nhưng rất nhiều phụ huynh không khỏi chạnh lòng vì tính hình thức của việc “tự nguyện” là phải ký vào tờ đơn nhà trường in sẵn nội dung…

Trong các cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học mới, được sự phân công của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm triển khai các nội dung, trong đó không thể thiếu nội dung “xã hội hóa” với các khoản thu “tự nguyện”. Tuy tự nguyện nhưng không mấy ai là không đóng góp, không mấy ai hỏi rõ chi tiết danh mục thu và tự đặt câu hỏi về tính hợp lý của các khoản thu.


Tự nguyện hay ép buộc?


Nhưng, nếu dành một chút thời gian suy ngẫm về các khoản thu mới thấy phụ huynh học sinh - nói cách khác là các em học sinh tiểu học - thật vất vả. Ngoài tiền ăn bán trú, các em còn phải nộp thêm tiền gas, tiền thuê lao công vệ sinh, tiền điện nước, tiền thuê giáo viên hợp đồng, tiền thuê bảo vệ nhà trường, tiền thuê cấp dưỡng… Các cháu mới vào lớp 1 thì đóng từ tiền bàn ghế, tiền mua quạt điện, bình đựng nước uống, giá để chăn,… Và cả những khoản thu “tự nguyện”, “xã hội hóa” lớn hơn như tiền xây thêm phòng học, lát nền… Có trường xây mới thêm 2 phòng học, không được ngân sách Nhà nước cấp tiền, sau khi nhà xây xong đưa vào sử dụng rồi mới lấy tổ chức lấy ý kiến phụ huynh một cách rất hình thức là đưa ra cuộc họp phụ huynh tờ phiếu xin ý kiến có đồng ý đóng hay không, đề nghị phụ huynh ghi rõ số số tiền tự nguyện đóng, ký tên, nộp lại cho nhà trường làm cơ sở của việc “đã lấy ý kiến phụ huynh”…


Nói đến những khoản tiền “phù thu, lạm bổ” này, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: Với những nhà trường vừa mới được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ II, đồng nghĩa với việc cơ sở vật chất phải đáp ứng chuẩn, tại sao tự nhiên lại có việc học sinh đóng tiền để lát nền? Đã là trường chuẩn, nhà trường phải có trách nhiệm bảo đảm cơ cấu giáo viên với các bộ môn, giả sử có thuê giáo viên thì phải trả lương hợp đồng từ khoản chi của nhà trường, chứ sao lại là học sinh đóng góp? Việc nhà trường nọ xây thêm các phòng học trong khuôn viên liệu có phá vỡ quy hoạch không gian? ..v.v.. Đây là điều trái với ý nghĩa của cụm từ “xã hội hóa giáo dục”. Vì hiểu theo đúng nghĩa, xã hội hóa giáo dục là tăng cường nguồn lực từ ngân sách Nhà nước giành cho sự nghiệp giáo dục, huy động và phát huy các nguồn lực khác trong các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và phụ huynh học sinh để mang lại điều kiện tốt nhất cho người học…


Cùng với cả nước, ngành giáo dục đào tạo các địa phương đang quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện. Song, điều quan trọng là, đổi mới căn bản, toàn diện phải bắt đầu từ mỗi nhà trường, từ cơ sở, từ những việc làm tưởng như rất nhỏ: Xét lại các khoản thu “tự nguyện” mà từ trước đến nay mọi người vẫn nghĩ là chuyện nhỏ.

 

Hồng Thanh Tâm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN