Nâng mức cảnh báo
Ngày gia đình Việt Nam 28/6 năm nay có chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc”, thông qua các thông điệp như: “Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn"; “Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực”. Những thông điệp về hạnh phúc gia đình này được đặt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Theo các chuyên gia xã hội học, bên cạnh những ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, dịch bệnh COVID-19 còn tác động mạnh tới mỗi gia đình. Tình trạng mất việc làm, kinh tế khó khăn hoặc những vấn đề từ ứng xử giữa cha mẹ và con… đều có thể dẫn đến bạo lực gia đình với mức tổn thương nhiều hơn so với bình thường.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết: “Từ làn sóng COVID lần thứ nhất ở Việt Nam, CSAGA đã triển khai chương trình phòng chống bạo lực giới trong bối cảnh COVID-19. Đã có nhiều vấn đề xảy ra với các gia đình trong thời điểm này. Cha mẹ mất việc làm, căng thẳng do thu nhập không ổn định; trẻ em phải học online hay thậm chí thời gian ở trong nhà bên nhau nhiều… tất cả những yếu tố đó khiến bạo lực gia đình nói riêng và bạo lực về giới nói chung tăng hơn so với trước đây. Ghi nhận này đúng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Trong thời gian này, hotline của CSAGA nhận các cuộc gọi về bạo lực giới gấp đôi so với trước và các vụ việc có tính chất nặng hơn”.
Sau thời gian triển khai chương trình về phòng chống bạo lực giới trong bối cảnh COVID-19, bà Nguyễn Vân Anh nhận định: “Trong giai đoạn COVID-19, nạn nhân bị bạo lực trong gia đình thường phải chịu gấp đôi, thậm chí gấp ba về sự rủi ro và tổn thương. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách, càng cần phải quan tâm tới việc hỗ trợ những người bị bạo lực về giới, về bạo lực gia đình. Thậm chí, cần phải nâng mức cảnh báo về vấn đề này trong giai đoạn COVID-19”.
Nhìn nhận về bạo lực gia đình dưới góc độ bảo vệ quyền lợi của trẻ em, PGS TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Nước ta có rất nhiều đơn vị, tổ chức chăm sóc, bảo vệ trẻ. Tuy nhiên, tôi đánh giá công tác dự báo, hỗ trợ về bạo lực gia đình với trẻ trong bối cảnh dịch bệnh chưa tốt, chưa kịp thời”.
PGS TS Trần Thành Nam phân tích: Ngay từ khi COVID-19 diễn ra, học sinh tạm dừng đến trường, các cơ quan chức năng hay tổ chức bảo vệ trẻ em cần có những dự báo về tình trạng trẻ có thể bị tổn thương sức khoẻ tinh thần trong giai đoạn này, bởi những tác động từ gia đình như suy giảm kinh tế, bố mẹ chưa biết ứng xử với con, an sinh xã hội giảm… Đến nay, một số tổ chức đã có những cẩm nang chăm sóc sức khoẻ tinh thần, hướng dẫn các kỹ năng với phụ huynh, nhưng điều này cần phải làm sớm hơn, tốt hơn nữa.
Thêm kỹ năng, tìm đến hành lang bảo vệ
Bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch CSAGA cho biết: “Thời gian qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc đưa ra lời kêu gọi liên quan đến sáng kiến bảo vệ người bị bạo lực bằng cách để các tổ chức làm việc với các nhà thuốc, hiệu tạp hoá. Việt Nam cũng sử dụng sáng kiến này, trong đó CSAGA là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp và đã triển khai ở một số tỉnh. Chúng tôi tập huấn cho các nhà thuốc, chủ hiệu tạp hoá về cách nhận diện nạn nhân bị bạo lực. Các nhà thuốc có tờ rơi của CSAGA với nội dung giúp mọi người nhận diện được bạo lực, địa chỉ để nạn nhân xin cầu cứu”.
Một thực tế được bà Vân Anh chỉ ra: Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, CSAGA phát hiện không ít vụ bạo lực gia đình ở các chung cư cao cấp. Vì vây, với sự đồng hành của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), CSAGA đặt quảng cáo hotline tại hàng loạt chung cư cao cấp trên nhiều thành phố. Cùng với đó là tài liệu hướng dẫn, sách hướng dẫn để có thể hỗ trợ được nạn nhân nhiều nhất. Trung tâm cũng tăng cường thời gian trực hotline trong ngày”, bà Nguyễn Vân Anh cho biết.
Đối với trẻ em, lời khuyên của các chuyên gia nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình trong bối cảnh hiện nay là việc các phụ huynh cần có kỹ năng lắng nghe. Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD cho biết: “Các phụ huynh hãy nghiêm túc trong việc tôn trọng và lắng nghe con, hãy “họp gia đình", hãy dành thời gian để nói chuyện và trao đổi với con ít nhất 1 giờ hàng ngày ngay từ khi con còn nhỏ. Không có công thức chung cho việc nuôi dưỡng một đứa trẻ vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau nhưng có thể có nguyên tắc chung trong việc dành thời gian cho con, tôn trọng và lắng nghe con”.
Bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh: “Trẻ em cần học để lớn khôn, cha mẹ cũng cần học tập các phương pháp giáo dục tích cực để là động lực, tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện, tối đa hoá các tiềm năng của mình”.
Còn theo ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan nhà nước đang có chính sách, chương trình để hỗ trợ các gia đình trong việc tìm được tiếng nói chung, bảo vệ gia đình, trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh.
“Chúng tôi đã phối hợp với Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội để thực hiện nhiều chương trình, chính sách đảm bảo việc trẻ em được lên tiếng, bày tỏ ý kiến của mình trong gia đình. Gần đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức truyền thông về gia đình, trong số đó đều có những nội dung liên quan đến việc trẻ em, như trẻ em được lên tiếng trong gia đình; cha mẹ cần lắng nghe trẻ em bằng trái tim, đồng hành và làm bạn cùng con. Bên cạnh đó, Bộ cũng có tập huấn cho các cán bộ về gia đình ở các cấp, bao gồm cả ở các địa phương, cũng như đề xuất bộ quy tắc ứng xử trong gia đình tôn trọng - bình đẳng - yêu thương. Chúng tôi cũng đang mong muốn cùng các bên liên quan xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc để cha mẹ có thể tham khảo đồng hành cùng con khôn lớn một cách hiệu quả”, ông Khuất Văn Quý cho biết.