Trang bị luật để tránh bị nhũng nhiễu

Sau khi đăng hai bài “Người dân ngán thủ tục nhà đất”, “Mong thủ tục được đơn giản hóa”, báo Tin Tức đã nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia luật và độc giả hiến kế để thủ tục hành chính không còn là nỗi ngán ngẩm đối với người dân.

 

Tiến sĩ luật Đỗ Đức Hồng Hà (Bộ Tư pháp):Người dân ngại tìm hiểu thông tin


Thực tế, nhiều người ngại, sợ khi phải giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền vì thủ tục rắc rối, phiền toái.


Trong các loại thủ tục, người dân sợ những loại thủ tục nhà đất (cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng, mua bán nhà liên quan đến người nước ngoài, người ở nước ngoài, những trường hợp có tranh chấp, khiếu kiện…). Nhiều người vì ngại va chạm, vì không tự tin mình có đủ kiên nhẫn để trực tiếp làm các thủ tục này đã chấp nhận bỏ một khoản chi phí không nhỏ để thuê “cò” làm giúp. Thực tế, có không ít người kêu cán bộ hành chính, nhất là cấp xã, phường có thái độ hách dịch với người dân khi không có tiền “bôi trơn”.


Theo tôi, có tình trạng này là do lỗi một phần ở người dân. Hiện nay, UBND cấp xã, huyện tới tỉnh, thành phố đều có phòng tiếp dân, cán bộ tiếp dân. Khi đến đây, người dân sẽ được giải đáp thắc mắc, được hướng dẫn về quy trình tiến hành các thủ tục hành chính, bước nào trước, bước nào sau.
Ngoài ra, còn một cách khác mà người dân có thể áp dụng để tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính thuộc là tìm thông tin trên mạng Internet. Nếu tận dụng tốt hai phương thức tìm hiểu thông tin trên, mức độ hiểu biết pháp luật của người dân về các quy định, thủ tục hành chính sẽ được cải thiện.


Chính sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng môi giới (“cò”) tận dụng để kiếm lời; để những cán bộ thoái hóa, biến chất có cơ hội nhũng nhiễu, moi tiền hay gây khó dễ. Tất nhiên, ngoại trừ một số ít trường hợp hiểu biết quy trình, thủ tục nhưng ngại làm; những người giàu có sẵn sàng chi tiền cho “cò” để được phục vụ như “ông chủ”.


Để nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, theo tôi, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.


Bà Phạm Minh Hải (thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội):Tìm hiểu kỹ quy định, quy trình


Theo kinh nghiệm của tôi, trước khi làm một số thủ tục, giấy tờ ở UBND xã, phường, thị trấn, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin. Việc này sẽ giúp mình tự nhận ra mình cần các loại giấy tờ gì, có công chứng hay không; thủ tục tiến hành từng bước như thế nào để giành thế chủ động khi làm việc với cán bộ hành chính. Khi mình biết luật, am hiểu luật thì không cán bộ nào có thể nhũng nhiễu, vòi tiền mình được.


Ngoài ra, người dân có thể đến văn phòng luật sư nhờ tư vấn. Mức phí phải trả tùy vào mức độ tư vấn, tùy từng trường hợp. Người dân nên chọn phương án này khi có những rắc rối liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện, hay có yếu tố nước ngoài…


Mới đây, gia đình tôi thực hiện một giao dịch nhà đất có liên quan đến yếu tố người nước ngoài. Trước khi tiến hành các thủ tục tại UBND phường, tôi đã nhờ một văn phòng luật sư tư vấn. Nhờ đó, mọi thủ tục giấy tờ đều thông suốt, chỉ sau gần một tháng, chúng tôi đã hoàn tất mọi giao dịch mà không gặp phải phiền phức nào.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hiệu (thị trấn Đông Anh, Hà Nội): Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật


Trên thực tế, mức độ hiểu biết pháp luật của người dân nói chung còn rất hạn chế, kể cả người dân ở các thành phố lớn. Những văn bản pháp luật, những nghị định, quy định liên quan đến người dân như quy trình, thủ tục cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng… không được nhiều người biết đến. Với phần đông người dân, những văn bản này là một cái gì đó khó hiểu và xa vời. Các địa phương nên đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật thì rất hiệu quả.


Huyền Tím (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN