Sự “lãng quên” đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em khi ngồi trên xe gắn máy của nhiều bậc phụ huynh đang làm việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ trên nhiều tuyến đường của Hà Nội hiện nay dường như giảm hiệu lực. Nếu các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp chấn chỉnh, “thói quen” này dễ dẫn đến những vi phạm dây chuyền, tác động tiêu cực đến ý thức tự giác cho trẻ em, nhất là đối với các em học sinh bậc tiểu học.
Coi thường!
Hình ảnh các em học sinh bậc tiểu học được cha mẹ đèo bằng xe máy không đội MBH không hiếm gặp hiện nay trên nhiều tuyến đường của thủ đô, nhất là vào giờ tan trường. Đặc biệt, khi mùa hè đang đến gần, tình trạng này có chiều hướng gia tăng.
Chỉ lo an toàn cho người lớn mà quên đi nguy cơ mất an toàn khi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Theo khảo sát của Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội-Dự án của Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á tại Việt Nam vừa điều tra về việc chấp hành quy định đội MBH khi tham gia giao thông tại các trường học tại Hà Nội, kết quả cho thấy, phương tiện đến trường của các em học sinh chủ yếu là xe máy (kể cả tự đi và được phụ huynh đưa đến trường), trong đó tỷ lệ đội MBH chỉ đạt 34%, học sinh càng nhỏ càng ít đội MBH. Đa phần các bậc phụ huynh khi được hỏi đều cho rằng không cần đội MBH cho các em vì đi quãng đường ngắn, lại đi chậm nên không nguy hiểm, còn lý do các em học sinh đưa ra là sợ xấu, cảm thấy không thoải mái...
Vào giờ tan trường, trước cổng trường tiểu học nào trên địa bàn thành phố cũng “nhốn nháo” xe cộ nối đuôi nhau, nhưng quan sát thật kỹ mới nhìn thấy một vài chiếc MBH “nhi đồng” chen trong hàng loạt những chiếc đầu bé nhỏ. Chị Nguyễn Thị Hằng ở phố Hàng Bạc đón con học tại trường tiểu học Nguyễn Du thản nhiên: “Từ nhà đến trường chưa đầy 1 km, có 5 phút đi xe, cần gì phải đội MBH cho thêm vướng víu”. Anh Lê Văn Đức ở phố Lò Đúc lại có cách giải thích khác: “Chúng tôi nắm rất vững quy định của pháp luật, nhưng vì chiều con trẻ, các cháu không thích đội MBH, chúng kêu nóng đầu và bắt bỏ ra ngay, nên đành tặc lưỡi bỏ qua”... Các bậc phụ huynh có muôn vàn lý do để lý giải cho hành vi vi phạm luật giao thông của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nguyên nhân khác để nhiều bậc phụ huynh vẫn “thờ ơ” với quy định của luật pháp là do lực lượng cảnh sát giao thông có phần “nới tay” với vi phạm này. Nếu cứ xử theo đúng luật, mỗi trường hợp không đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên sẽ bị phạt từ 100.000-200.000 đồng, chắc chắn ý thức chấp hành pháp luật của các bậc phụ huynh sẽ có chuyển biến rõ nét. Ở thành phố, nơi trình độ dân trí cao và đồng đều đã vậy, đến các trường ở khu vực ngoại thành, tình trạng này càng có điều kiện gia tăng hơn.
Mặc dù được các nhà tài trợ phát miễn phí mũ bảo hiểm cho các học sinh nhưng phụ huynh vẫn không đội cho các cháu (ảnh chụp lúc 17 giờ ngày 21/4, tại cổng trường tiểu học Tây Sơn, Hà Nội). Ảnh: L.P |
Mang vấn đề này đến hỏi ban giám hiệu và giáo viên một số trường tiểu học đều nhận được quan điểm: Mặc dù nhà trường đã tuyên truyền đến từng bậc phụ huynh về việc tuân thủ các quy định luật pháp về an toàn giao thông (ATGT) cho trẻ em, nhưng để kiểm soát triệt để rất khó, vì việc giáo dục các em chỉ trong phạm vi nhà trường, còn phía gia đình nằm ngoài tầm kiểm soát, trách nhiệm của các trường chỉ là tuyên truyền, giáo dục. Rõ ràng, nếu các em học sinh chưa nhận thức, tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, cộng với việc phụ huynh còn dung túng, chắc chắn bài toán này sẽ không bao giờ có lời giải.
Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chính thức có hiệu lực ngày 1/7/2009 quy định trẻ em trên 6 tuổi bắt buộc phải đội MBH khi ngồi trên xe gắn máy, điều này cũng được nêu rõ trong Nghị định 34/CP của Chính phủ có hiệu lực ngày 2/4/2010 quy định xử phạt cao hơn những hành vi không đội MBH, nhưng đến nay hầu hết các bậc phụ huynh tỏ ra thờ ơ với quy định này. Trong khi tình hình trật tự ATGT đường bộ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) có chiều hướng gia tăng, MBH chính là một giải pháp có hiệu quả góp phần hạn chế những hậu quả đáng tiếc nếu không may xảy ra TNGT, nhưng không phải phụ huynh nào cũng dành cho con em mình sự bảo vệ tin cậy đó.
Phụ huynh học sinh phải ký cam kết
Theo các chuyên gia, trẻ em không thích đội MBH phần lớn đều bắt nguồn đầu tiên từ ý thức của bố mẹ, đây chính là rào cản lớn nhất. Nhiều phụ huynh học sinh coi việc đội MBH khi tham gia giao thông cho con em mình chỉ mang tính đối phó, do đó những “nghi ngại” này cần phải được giải quyết và ngăn chặn từ gốc.
Theo kết quả nghiên cứu của Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á tại Việt Nam, MBH được chứng minh có thể giúp giảm tới 69% nguy cơ chấn thương đầu và giảm tới 42% nguy cơ tử vong do chấn thương sọ não khi TNGT xảy ra. Trung bình mỗi năm có gần 2.000 trường hợp trẻ em tử vong vì TNGT, chiếm từ 24-26% tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi bị chấn thương sọ não chiếm 13,4 %, gần 1/2 trong số này bị chấn thương sọ não do không đội MBH. |
Để cải thiện tình trạng nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các trường học tập trung tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em, nhất là đối với các em học sinh bậc tiểu học nhận thức được sự cần thiết phải đội MBH khi ngồi sau xe gắn máy, tự giác chấp hành pháp luật về ATGT. Trong đó, chú trọng tuyên truyền đến các bậc phụ huynh học sinh quy định của Luật Giao thông đường bộ về việc bắt buộc đội MBH đối với mọi người khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy; đồng thời, rà soát, chấn chỉnh tình trạng vi phạm luật giao thông của các em học sinh. Theo đó, các trường tiểu học, mẫu giáo phải triển khai ngay việc yêu cầu học sinh khi ngồi xe gắn máy bắt buộc phải đội MBH và đề nghị phụ huynh ký cam kết với nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định này.
Ủy ban ATGT quốc gia vừa phối hợp với Ban ATGT TP Hà Nội tổ chức trao tặng 1.200 MBH cho thầy và trò tại Trường tiểu học Văn Điển A (Thanh Trì, Hà Nội). Đây là hoạt động nằm trong chương trình trao tặng hơn 30.000 MBH cho học sinh 34 trường tiểu học các địa phương có rủi ro cao do Ngân hàng Thế giới tài trợ, góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người tham gia giao thông từ gia đình đến trường học trên phạm vi toàn quốc. Thiết nghĩ, việc đảm bảo học sinh tiểu học ngồi trên xe gắn máy đến trường có đội MBH không khó, nếu như ban giám hiệu các trường thật sự quan tâm và có biện pháp tích cực. Ngoài ra, việc phụ huynh học sinh ký cam kết đội MBH cho con em mình khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy nếu được làm thường xuyên sẽ phát huy tác dụng tích cực.
Đã đến lúc không thể chung chung, mà các cơ quan quản lý giáo dục, các lực lượng chức năng phải gắn trách nhiệm giáo dục học sinh thực hiện pháp luật về ATGT với các chương trình hành động cụ thể của nhà trường và từng gia đình. Có như vậy mới ngăn chặn được từ gốc vấn đề vi phạm pháp luật.
Ý KIẾN:
Thực hiện đồng bộ, kiên trì, liên tục
Chánh văn phòng thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Thân Văn Thanh cho biết: Hiện tượng người dân tham gia giao thông bằng xe gắn máy không đội MBH, đặc biệt là các em học sinh hiện nay còn khá cao. Mặc dù các lực lượng chức năng đã căng sức xử lý, nhưng gặp nhiều khó khăn về nhân lực, phương tiện, kinh phí… Năm 2011 được đánh dấu là khởi đầu cho “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ” của Liên hợp quốc, do đó các bộ, ngành, cơ quan liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ, tích cực chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích một cách mạnh mẽ, đồng bộ, kiên trì và liên tục, trong đó tập trung việc tuyên truyền đội MBH cho trẻ em, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước, từng bước kêu gọi cộng đồng hiểu rõ quy định của pháp luật về ATGT.
Đã đến lúc phải triển khai mạnh mẽ
Ủy viên Thường trực Ban ATGT TP Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết: Chương trình trao tặng MBH cho học sinh các trường tiểu học chính là biện pháp hữu ích nhất nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em, trước tình trạng tỷ lệ trẻ em không chấp hành quy định đội MBH đang có xu hướng gia tăng hiện nay. Đã đến lúc Hà Nội phải hành động mạnh mẽ, để tất cả các em học sinh tự giác nâng cao ý thức tự bảo vệ chính bản thân mình khi tham gia giao thông.
Giải quyết những nghi ngại từ phía phụ huynh
Ông Phạm Việt Cường, cán bộ Trường Đại học Y tế Cộng đồng cho biết: Nhiều người dân còn coi việc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông là mang tính chất đối phó, mà chưa có sự tự ý thức từ phía gia đình. Thêm vào đó, việc đội MBH cho trẻ em còn vướng do chưa có cơ sở nào đầu tư sản xuất MBH cho trẻ em. Những điều này dẫn tới sự quan ngại trong phụ huynh học sinh khi lựa chọn MBH chất lượng cho con em mình và trở thành rào cản việc thực thi đội MBH cho trẻ em trong tương lai. Để nâng cao ý thức của các bậc phụ huynh trong việc khuyến khích các em đội MBH, việc cần làm hiện nay là giải quyết những nghi ngại từ phía phụ huynh.
Tạo ý thức tự bảo vệ cho các em học sinh
Ông Nguyễn Minh Hòa ở phố Lý Thường Kiệt cho biết: Việc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông là rất cần thiết. Như thế sẽ yên tâm hơn, đặc biệt là tạo ra được ý thức tốt cho các cháu sau này. Đối với hiện tượng nhiều học sinh không đội MBH không chỉ xuất phát từ phía phụ huynh học sinh, mà do ý thức của từng cháu. Việc nhắc nhở các cháu chỉ là hình thức, điều quan trọng là gia đình và nhà trường cần phối hợp để tạo ý thức bảo vệ cho chính các cháu khi tham gia giao thông. |