Chương trình do Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam Bộ (VTV9) và Công ty cổ phần phát triển truyền thông Việt News tổ chức.
Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh, chiến tranh dù đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng mỗi khi nhắc đến nạn nhân chất độc da cam thì vết thương chiến tranh, nỗi đau thể xác, tinh thần vẫn còn đọng trong tâm khảm mỗi người.
Chất độc da cạm đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm. Từ năm 1975 cho đến nay, có gần 1 triệu người đã chết. Còn hơn 3 triệu người là nạn nhân, việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo…
Với thông điệp "Xin đừng quên họ - Dù bạn có là ai, bạn có chỗ đứng như thế nào trong xã hội, sự đóng góp của bạn với nạn nhân chất độc da cam cũng đem lại cho họ niềm tin lớn trong cuộc sống", Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ kêu gọi người dân tiếp tục ủng hộ các nạn nhân bằng tất cả tấm lòng, cùng chung tay góp sức, làm vơi bớt nỗi đau da cam.
Có mặt từ rất sớm để cùng đi bộ đồng hành, em Nguyễn Minh Hòa (nạn nhân da cam) cho biết, đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn, thiết thực, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với các nạn nhân chất độc da cam. Qua đó, góp phần trợ giúp chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện sống cho nạn nhân chất độc da cam và công cuộc khắc phục hậu quả bảo vệ các nạn nhân da cam.
Cũng tại chương trình, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đơn vị tài trợ đã trao sổ tiết kiệm cho 40 gia đình, nạn nhân da cam trị giá mỗi sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; nhiều tổ chức, các nhân tham đã gia đóng góp quỹ "Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin" Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh, hiện cả nước có trên 850.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, có 350.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và khoảng 500 người nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4. Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ, các nạn nhân thường không còn khả năng sản xuất, không có nguồn thu. Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ngoài khả năng thanh toán nên các nạn nhân và gia đình rất cần sự chung tay, giúp sức, hỗ trợ của xã hội.